banner
Thứ 4, ngày 24 tháng 4 năm 2024
Khôi phục phát triển văn hóa cồng chiêng xoang ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Glei
12-9-2022
Từ bao đời nay, cồng chiêng được coi là linh hồn trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bên cạnh việc lưu giữ những bộ cồng chiêng quý hiếm, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, những nghệ nhân trên địa bàn huyện Đăk Glei đã không ngừng nỗ lực truyền dạy cho thế hệ trẻ cách đánh cồng chiêng, múa xoang. Qua đó, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Huyện Đăk Glei có 12 xã, thị trấn, với 93 thôn, làng, chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống. Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở nơi đây có những nét riêng độc đáo, trong đó văn hóa cồng chiêng xoang chiếm vị trí rất quan trọng và gắn bó mật thiết với người DTTS. Để bảo tồn giá trị văn hóa này, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện luôn quan tâm đến công tác truyền dạy cho thế hệ trẻ. Từ chỗ không biết cầm chiêng, các em đã được các nghệ nhân truyền dạy những kỹ thuật đánh cồng chiêng, cách diễn tấu một số bài chiêng truyền thống. Những lớp học được nghệ nhân trong các thôn, làng truyền dạy như thế này không những giúp thế hệ trẻ nâng cao ý thức về trách nhiệm trong việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình mà còn gìn giữ và phát triển văn hóa cồng chiêng trong tương lai. Các lớp truyền dạy cồng chiêng múa xoang đã tạo sự lan tỏa, tính kế thừa trong thế hệ trẻ về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Điều đó được thể hiện ở việc ngày càng nhiều đội cồng chiêng, múa xoang thanh thiếu niên trong các thôn, làng người dân tộc thiểu số, thậm chí, nhiều đơn vị trường học trên địa bàn được hình thành và duy trì, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trong giai đoạn hiện nay, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Mở lớp truyền dạy cồng chiêng xoang tại thôn Đăk Xam xã Đăk Môn.
01 buổi tập luyện múa xoang tại thôn Đăk Poi thị trấn Đăk Glei.
Đây là buổi ôn luyện của đội cồng chiêng xoang thị trấn Đăk Glei dưới sự truyền dạy của nghệ nhân Y Phoăng ở thôn Đăk Boi đang chuẩn bị cho hội thi cồng chiêng xoong cấp huyện. Trong trang phục truyền thống, các nghệ nhân diễn tấu bài mừng lúa mới, cũng là lúc các nghệ nhân xoang cùng hòa mình vào không gian của núi rừng, cuốn hút già trẻ gái trai trong thôn. Dù các nghệ nhân trong đội cồng chiêng xoang ai cũng bận rộn với công việc nương rẫy, nhưng cứ đều đặn vào ngày chủ nhật hàng tuần, các thành viên trong đội lại cùng nhau ôn luyện. Đến nay nhiều thanh niên trong thôn  có thể đánh tất cả các bài chiêng của dân tộc mình.
Bà Y Phoăng - Thôn Đăk Poi, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei tâm sự:“Đặc trưng của tiếng chiêng HLăng, chậm cũng không chậm, nhanh cũng không nhanh vừa nghe, ví dụ như HLăng đây có người cầm 2 cái, có người cầm 1 cái, có người cầm 3 cái, trong lễ hội diễn 10 người hay 7, 8 người cũng được”
Lễ trao tặng cồng chiêng cho làng ĐBDTTS ở các xã trên địa bàn huyện.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng xoang, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các nghệ nhân, tổ chức mở lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng xoang, cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống. Các nghệ nhân cho biết, trước đây, đánh cồng chiêng, múa xoang luôn được các thế hệ người DTTS trong làng gìn giữ, sử dụng trong lễ hội như mừng khai hoang, mừng bộ đội về làng, nhớ quê hương... nhưng nay nét đẹp truyền thống đó đang đứng trước nguy cơ mai một, nguyên nhân bắt nguồn từ những biến đổi trong đời sống kinh tế thị trường, sự thay đổi trong phương thức canh tác, mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, sự bùng nổ công nghệ thông tin...
Chị Y Nghen, học viên lớp múa xoang thôn Đăk Xam, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei bộc bạch: “Từ khi mà được chủ trưởng Đảng nhà nước quan tâm để giữ vững được bản sắc dân tộc, họ tổ chức mở lớp dạy múa xoang này, thì từ đó chúng tôi cảm thấy nhận ra rằng là mình nên giữ vững nét văn hóa dân tộc của chúng ta để khỏi mất mát, rồi chúng tôi cũng cùng nhau quyết tâm cả nam lẫn nữ thì cũng cố gắng theo học cái lớp này để giữ ổn định truyền thống dân tộc của chúng ta”.
Ông A Boi - Nghệ nhân thôn Đăk Xam, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei  cho biết: “Cảm thấy họ bỏ cồng chiêng quá lâu rồi, cho nên ông già sẽ cố gắng để làm sao giảng dạy cho nó đánh cồng chiêng sau này để biết đánh cồng chiêng như trước đây, cả múa xoang cố gắng cho họ tập lại như cũ trước đây, để giữ gìn bản sắc dân tộc trong địa bàn của xã Đăk Môn”
01 buổi truyền dạy cồng chiêng xoang và hướng dẫn đánh chiêng của nghệ nhân A Phoi cho đội cồng chiêng nhí của thôn Đăk Tu xã Đăk Long
Cùng với lớp truyền dạy cồng chiêng xoang trên địa bàn huyện, năm 2021, đội cồng chiêng thiếu nhi của thôn Đăk Tu, xã Đăk Long được thành lập, với mong muốn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Hàng tháng, đội được ôn luyện đánh cồng chiêng, múa xoang từ 1 đến 2 buổi, dưới sự hướng dẫn tập luyện của nghệ nhân A Phoi. Mặc dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng nghệ nhân vẫn miệt mài với việc truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho người dân trong thôn, đó chính là niềm vui lớn trong cuộc đời ông.
 Em A Thượng, đội cồng chiêng thôn Đăk Tu, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei vui vẻ nói: “Em rất vui khi được tham gia đánh cồng chiêng do các bác trong thôn chỉ dạy, em sẽ cố gắng học đánh cồng chiêng, để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”
Nghệ nhân A Phoi - thôn Đăk Tu, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei tâm sự: “Ý định của tôi là định hướng, định hướng là phải truyền đạt lại cho mấy cháu sau này không ai biết đánh nữa thì Cồng chiêng nó mất gốc tích, gốc tích của Cồng chiêng của bố mẹ hồi xưa để lại đánh công chiêng vui làng cũng như dịp tết. Cái này phải khôi phục lại, cho nên canh tác lại, tôi định hướng là canh tác lại cái này, tôi không cho mất. Sắp tới tôi cũng tập cho nó đánh để cho nó có phong trào, di sản, di sản văn hóa”

01 buổi chỉnh chiêng của các nghệ nhân thôn Đăk Nai xã Đăk Môn
Trong các lễ hội có sự trình diễn của cồng chiêng, việc chỉnh chiêng đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của lễ hội, nên trước khi lễ hội diễn ra, các nghệ nhân đều đến sớm hơn để chuẩn bị cho chiêng, đặc biệt là chỉnh chiêng, để âm thanh đạt chuẩn. Để chỉnh chiêng, nghệ nhân sử dụng một loại búa nhỏ hình chữ thập, chuyên dùng gõ vào chiêng để kiểm tra âm thanh, rồi tùy thuộc vào âm thanh mà có thể lấy búa gõ phía trong ra hoặc phía ngoài vào để có âm thanh đạt chuẩn như mong muốn, cũng có lúc phải dùng búa để cạo bớt mặt chiêng.
Huyện Đăk Glei lưu giữ các bộ cồng chiêng quý tại phòng truyền thống.
Thực hiện đề án 681 “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025”, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương hoàn thiện các thiết chế văn hóa địa phương, tiếp tục phát huy văn hóa truyền thống, thành lập nhiều đội cồng chiêng xoong ở các thôn, làng vùng DTTS trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện Đăk Glei tạo điều kiện để các địa phương, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy kiến thức về cồng chiêng; tổ chức các hội thi hoặc hoạt động để người dân phát huy các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Hiện trên địa bàn huyện có 93 thôn, làng ở 12 xã, thị trấn còn lưu giữ 89 bộ cồng chiêng, 48 thôn, làng có đội cồng chiêng....
Từ nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ trang bị cồng chiêng, huyện đã trao tặng 15 bộ cồng chiêng cho 06 xã vùng DTTS, với tổng trị giá 800 triệu đồng. Với chương trình trao tặng cồng chiêng, hy vọng trong tương lai, những tiếng cồng, tiếng chiêng, những điệu múa xoang của người DTTS ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Glei tiếp tục được gìn giữ phát huy.
 Bà Y Nhung, Phó trưởng phòng VH-TT huyện Đăk Glei cho biết:“Trong thời gian tới, để lưu trữ bảo tồn phát triển văn hóa cồng chiêng, Phòng Văn hóa thông tin tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc bảo tồn di sản văn hóa cồng chiềng trên địa bàn huyện, giới thiệu quảng bá văn hóa cồng chiêng hình ảnh, con người, góp phần vào việc phát triển du lịch, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Và đặc biệt tập trung vào việc khôi phục lại lễ hội, tổ chức truyền dạy về việc văn hóa cồng chiêng, mở, thành lập các CLB, đội văn nghệ cũng như việc khảo sát kiểm kê lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa cồng chiêng. Hàng năm, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hội diễn văn hóa cồng chiêng, múa xoang"
Khôi phục văn hóa công chiêng ở các xã thị trấn trên địa bàn huyện
Cồng chiêng Tây Nguyên là một kho tàng văn hóa được đúc kết bởi các thế hệ người DTTS. Trước tác động của hội nhập, kho tàng ấy đứng trước nguy cơ bị mai một. Việc khôi phục văn hóa cồng chiêng ở các thôn, làng trên địa bàn huyện là hết sức cần thiết. Những lớp học truyền dạy cồng chiêng, xoang của các nghệ nhân trong thôn, làng, giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn văn hóa cội nguồn của dân tộc mình, thắp lên tình yêu, niềm tự hào bản sắc văn hóa truyền thống./.
Bài, ảnh: A Lộc - Minh Đức - Y Đông

Số lượt xem:1882
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

941629 Tổng số người truy cập: 3549 Số người online:
TNC Phát triển: