banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Sức sống mới của đồng bào các dân tộc huyện Đăk Glei sau một năm triển khai cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”
30-9-2022
Nằm cách Thành phố Kon Tum 120 km về phía Bắc, huyện Đăk Glei là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá lịch sử, ngôi nhà chung của nhiều dân tộc anh em sinh sống từ rất lâu đời như: Giẻ - Triêng, Xơ Đăng, Tày, Nùng, Kinh…
Nơi đây không những sở hữu lợi thế về vị trí địa lý quan trọng, đầu mối giao lưu kinh tế trong nước và quốc tế, mà đây còn là mảnh đất được thiên nhiên đặc biệt ưu ái với tài nguyên rừng phong phú và nguồn dược liệu quý hiếm, trong đó có hồng đẳng sâm (sâm dây), sâm Ngọc Linh.
Trong những năm qua, đồng bào các dân tộc nơi đây luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các Chủ trương, Chính sách pháp luật của Nhà nước đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị trên địa bàn huyện triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư; đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng phấn đấu vươn lên thoát nghèo; một số chương trình, dự án đầu tư đã phát huy tác dụng mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang và sạch đẹp hơn.
Song, là huyện miền núi, biên giới với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện nhà còn gặp nhiều khó khăn; Dân số phân tán, trình độ dân trí không đồng đều; kinh tế phụ thuộc lớn vào nông nghiệp; việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; .... Có thể thấy, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây còn nghèo chủ yếu xuất phát từ những nếp nghĩ lạc hậu, tư tưởng còn trông chờ, ỷ lại vào các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời bị ảnh hưởng bởi những lễ hội, hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với đời sống, ...
Và sức lan toả của cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”trên địa bàn tỉnh (Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/02/2021 của BTV Tỉnh ủy) như một làn gió mới mang đến sức sống mới và niềm tin vào một tương lai tương sáng hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Nhận thức rõ những thói quen sinh hoạt, những tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số qua nhiều thế hệ. Để vận động nhân dân bài trừ các hủ tục trong đời sống, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương nhận định không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai mà phải là một quá trình lâu dài, bền bỉ. Đây là việc làm cần sự chung tay, chung sức và trách nhiệm, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc nhưng cũng linh hoạt, kiên quyết, kiên trì theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để từng bước xóa bỏ những thói quen, tập quán lạc hậu, biết cách tổ chức lao động sản xuất, giúp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Y Thanh - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện chủ trì Hội nghị triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”
Chính vì lẽ đó, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với “Xoá bỏ các hủ tục lạc hậu” và “Phụ nữ Đăk Glei không sinh con thứ 3” trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 – 2025 được triển khai thực hiện đồng bộ và sáng tạo, bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên; đặc biệt là sự đón nhận, đồng thuận hưởng ứng thực hiện của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Đăk Glei. Cuộc vận động đã thực sự đi vào cuộc sống của Nhân dân và đạt được một số kết quả tích cực sau một năm triển khai thực hiện.
Công tác thông tin, tuyên truyền được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh với quan điểm “thường xuyên, liên tục, kiên trì, hiệu quả và bền vững”, nội dung tuyên truyền cụ thể, thiết thực, sát hợp với thực tiễn, vừa trọng tâm, trọng điểm, đa dạng về hình thức như: thông qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, pano, áp phích, hệ thống thông tin tuyên truyền lưu động, sinh hoạt văn hoá tại thôn, làng, ...
Nhờ việc duy trì thường xuyên và không ngừng đổi mới phương thức tuyên truyền và vận động, đến nay có 12/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện lồng ghép Cuộc vận động với nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các Cuộc vận động do các cấp, các ngành triển khai phát động trong năm 2021; 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuộc vận động; Cuộc vận động đã thu hút 100% thôn, làng hưởng ứng, thực hiện tốt cam kết xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu; và 4.622 hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn 12 xã, thị trấn cam kết xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu.
Thực hiện nhất quán với chủ trương bám sát cơ sở, hướng về cơ sở, tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội tại cơ sở đã giúp cho chính quyền các cấp lãnh chỉ đạo, định hướng giải pháp đúng đắn, sát với thực tiễn đặc biệt là việc chuyển đổi, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng; hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương như cây dược liệu sâm dây, sâm Ngọc Linh, cây mắc ca, nuôi trâu, heo cỏ (heo địa phương), ... Từ đó, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực; một bộ phận nhân dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước; bỏ dần tư tưởng không muốn thoát nghèo; nhiều hộ gia đình đã tự lực vươn lên bằng chính nội lực của mình; tỷ lệ hộ thoát nghèo cuối năm 2021 đạt 15%; đã có 8.547 hộ đồng bào dân tộc thiểu số biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
Tranh thủ, huy động tối đa nội - ngoại lực về cả nguồn vốn lẫn con người nhằm thúc đẩy ý chí tự lực, tự cường và sự năng động sáng tạo của đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc xây dựng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Trong năm qua, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể, các tổ công tác của huyện đã tổ chức khảo sát, xây dựng được 49
mô hình (trong đó phải kể đến một số mô hình tiêu biểu như: “Nuôi dê sinh sản”,  “trồng lúa nước, trồng chuối tiêu hồng, trồng và phát triển Sâm dây, sâm Ngọc Linh”, “nuôi heo lai lấy thịt”, ...), huy động 1,6 tỷ đồng hỗ trợ, giúp đỡ 517 hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, toàn huyện còn thành lập được 63 tổ hợp tác thu hút gần 2 nghìn thành viên tham gia, trong đó có 08 hợp tác xã đang hoạt động với 79 thành viên, có 67 thành viên là người dân tộc thiểu số. Và việc triển khai hiệu quả xây dựng mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động đã góp phần tạo ra sức lan tỏa đối với các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Mô hình Tổ hợp tác phụ nữ DTTS trồng sâm dây, thôn Tân Rát, xã Mường Hoong
Tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của những “Người con của Đảng” tại cơ sở, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác dân vận, đã góp phần tích cực giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, có ý thức khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc (khôi phục nhà rông, duy trì các lễ hội truyền thống hàng năm, chăm lo truyền dạy, giữ nhịp chiêng-xoang của đồng bào Giẻ-Triêng, dệt thổ cẩm; ...); đấu tranh, đẩy lùi các hủ tục, phong tục lạc hậu; tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng tại địa phương; tích cực tham gia trồng, bảo vệ và quản lý rừng; nhận thức được vai trò của việc nuôi, dạy con cháu, tự nguyện đưa con em trong độ tuổi đến trường; thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, để có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn; nhiều thôn làng đã thực hiện tốt nếp sống văn minh, ...
Từ những kết quả trên, có thể một lần nữa khẳng định cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” là chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, là cách làm sáng tạo, mang giá trị nhân văn sâu sắc, để lại nhiều bài học quý báu trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân và triển khai chủ trương, chính sách, huy động, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các mô hình phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo bền vững; Đồng thời, là minh chứng cho nỗ lực, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân huyện nhà trong việc phát huy sức mạnh, tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo và khát vọng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu Quốc gia và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 trên địa bàn huyện Đăk Glei.
 
          Tác giả: Y Đông, Giáo viên trường THCS Thị Trấn, huyện Đăk Glei
          Nguồn ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Đăk Glei và Trang thông
tin điện tử Hội LHPN Tỉnh Kon Tum

Số lượt xem:2081
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

935697 Tổng số người truy cập: 2767 Số người online:
TNC Phát triển: