banner
Thứ 6, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Lịch sử hình thành - Điều kiện tự nhiên
1-12-2020
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
 
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
1. Vị trí địa lý:
          Đăk Glei là huyện miền núi nằm về phía Bắc của tỉnh Kon Tum, là huyện vùng cao biên giới và là cửa ngõ cực Bắc của vùng Tây Nguyên, tọa độ địa lý trải dài từ 14051’40” đến 15025’20” vĩ Bắc, từ 107028’00” đến 108010’00” kinh Đông. Nằm tiếp giáp với các đơn vị hành chính sau:
- Phía Bắc giáp huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
- Phía Nam giáp huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
- Phía Đông giáp huyện Tu Mơ Rông, huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum.
- Phía Tây giáp nước CHDCND Lào.
2. Địa hình địa mạo:
Nằm trong khu vực có địa hình phức tạp của tỉnh Kon Tum. Nhìn chung địa hình của huyện cao ở phía Đông - Bắc và Tây - Tây Nam. Địa hình chia cắt phức tạp với nhiều đỉnh núi cao từ 1.000m - 2.218m, thoải nghiêng dần về phía Đông - Nam với những vùng khá bằng phẳng, chia cắt nhẹ, có dạng lượn sóng. Độ dốc các sườn núi từ 150 đến 250. Địa hình của huyện được chia thành 3 dạng chính:
2.1.  Địa hình đồi núi cao: Đây là dạng địa hình chủ yếu của huyện có độ cao từ 1.500- 2.218m, với các dãy núi chạy theo hướng Bắc Nam cao ở đỉnh rồi thoải về phía Tây nam. Địa hình chia cắt hiểm trở và có xu hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam. Ở phía Đông thuộc xã Mường Hoong có các đỉnh núi cao như: Ngọk Pí (2.218m), Ngọk Ri (1.894m), xã Ngọc Linh có đỉnh Ngọc Linh (2.603m). Ở phía Tây Quốc lộ 14 thuộc các xã Đăk Pék, Đăk Nhoong, Đăk KRoong, Đăk Long có dãy núi cao gồm các đỉnh như: Núi Peng Buk (1.560m), Núi Bolck (1.228m).
2.2. Địa hình đồi núi trung bình: Nằm trong khu vực có độ cao từ 600 - 800m, bao gồm các dãy đồi núi thấp tiếp giáp giữa vùng núi cao và vùng thấp trũng, phân bố chủ yếu ở khu vực trung tâm huyện, dọc 2 bên quốc lộ 14C.
2.3.  Địa hình đồi núi thấp: Dạng địa hình này phân bổ ở khu vực có độ cao từ 480 - 550m, tập trung nhiều ở khu vực hạ lưu suối Đăk Lôi, Đăk Mảm và số ít dọc suối Đăk Na. Đây là dạng địa hình được bồi tụ ở hạ lưu sông suối nên khá bằng phẳng, tạo thành các dải đồng bằng hẹp dọc hai bên suối.
3. Khí hậu:
Huyện Đăk Glei nằm trong vùng khí hậu núi cao và cao nguyên phía Đông Bắc tỉnh, với các yếu tố khí hậu đặc trưng như sau:
3.1 Nhiệt độ:
Nhiệt độ trung bình năm khoảng 200C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất 32,50C (tháng 4), nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất 70C (tháng 1), chênh lệch nhiệt độ giữa ngày đêm từ 7 - 16,50C. Do đặc điểm địa hình nên ở những nơi thung lũng hẹp khuất gió nhiệt độ tăng cao về ban ngày và thấp về ban đêm.
3.2. Chế độ mưa:
Lượng mưa trung bình nhiều năm 2.100 - 2.600 mm và theo xu thế càng lên vùng phía Bắc thì lượng mưa càng lớn. Chế độ mưa chia thành hai mùa rõ rệt:
- Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 kết thúc vào tháng 10, chiếm tới trên 90% tổng lượng mưa cả năm. Mưa cực đại vào các tháng 7 - 9 và thường gây lũ quét, úng cục bộ.
- Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 4 năm sau. Mùa khô mưa ít, lượng mưa chiếm khoảng 10% lượng mưa cả năm. Thời gian này có gió mùa Đông Bắc thịnh hành tăng thêm sự khô hạn và gây thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong huyện.
3.3. Chế độ ẩm:
Tại huyện Đăk Glei khu vực Đông Bắc có địa hình núi cao, mưa nhiều do vậy có độ ẩm lớn hơn khu vực phía Tây Nam huyện. Qua nhiều năm độ ẩm không khí trung bình năm 89%.
3.4. Lượng bốc hơi nước: Lượng bốc hơi trung bình nhiều năm khoảng 1.000mm/năm. Các tháng có lượng bốc hơi lớn nhất từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng bốc hơi trung bình từ 90 - 100 mm/tháng. Tổng lượng bốc hơi trong các tháng mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau khoảng 500 mm. Điều đó chứng tỏ mức độ khô hạn tại khu vực huyện Đăk Glei nhẹ hơn các khu vực khác trong Tỉnh Kon Tum.
3.5. Chế độ gió: Gió thịnh hành chủ yếu theo hai hướng chính là Đông Bắc và Tây Nam:
- Gió Đông Bắc xuất hiện khoảng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, tốc độ gió từ 3,5 - 5,4 m/s.
- Gió Tây và Tây Nam xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 11, tốc độ gió từ 1,2 - 2,5m/s. 
4. Thủy văn:
Đăk Glei là thượng nguồn của nhiều sông suối lớn của một số tỉnh Tây Nguyên và Miền Trung (sông PôKô, sông Thu Bồn, sông Xe Ka Man...) cung cấp một lượng nước lớn cho thủy điện YaLy, thủy điện Plei Krông và là nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu nông nghiệp cho các huyện phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum và phía Tây Nam tỉnh Quảng Nam. Huyện có hệ thống thủy văn phân bố khá đồng đều. Trên địa bàn Huyện có 3 hệ thống sông suối chính như sau:
- Hệ thống sông Pô Kô: Có chiều dài 55,2 km, bắt nguồn từ phía Bắc dãy núi Ngọc Đăk Ding xã Đăk Man chảy về phía Nam vào hệ thống sông Sê San đổ ra sông Mê Kông. Đây là hệ thống sông có lưu vực lớn nhất, chiếm 2/3 diện tích sông suối toàn huyện, là nguồn nước chủ yếu phục vụ cho tưới cây nông nghiệp và sinh hoạt cho các xã Đăk Man, Đăk Pék, Đăk Nhoong, thị trấn Đăk Glei, Đăk KRoong, Đăk Long và Đăk Môn đồng thời là vùng cung cấp điều tiết nước của thủy điện Plei Krông và thủy điện Ya Ly.
- Hệ thống sông Đăk Mek: Bắt nguồn từ phía Đông núi Ngọc Linh (xã Ngọc Linh), nơi bắt nguồn của sông Tranh, sông Cái chảy về phía Đông Bắc vào hệ thống sông Thu Bồn (là thượng nguồn của sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam), là nguồn nước phục vụ tưới, sinh hoạt cung cấp cho các xã phía Đông Bắc Huyện, gồm Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp.
- Hệ thống sông Đăk Bla: Bắt nguồn từ phía Nam núi Ngọc Leng (xã Đăk Plô) chảy qua đất Lào, là một phần đầu nguồn của sông Xe Ka Man, chiếm diện tích không lớn, nằm trọn trong xã Đăk Plô, là nguồn nước tưới và phục vụ sinh hoạt cho xã Đăk Plô.
5. Các nguồn tài nguyên:
5.1. Tài nguyên đất:
Theo kết quả điều tra bổ sung, chỉnh lý xây dựng bản đồ đất tỉnh Kon Tum trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 năm 2005 của Phân viên Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp Miền Trung. Huyện Đắk Glei có 3 nhóm đất chính và 6 đơn vị phân loại như sau:
Bảng 1.1.  Phân loại đất huyện Đăk Glei

TT Tên đất Ký hiệu Diện tích
(ha)
Tỷ lệ
(%)
             I. Nhóm đất đỏ vàng   42.968,22 31,7
1 Đất nâu đỏ trên đá Macma Ba zơ và trung tính Fk 1.723,22 1,3
2 Đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất Fs 35.422,0 26,2
3 Đất vàng đỏ trên đá Macma axit Fa 4.292,0 3,2
4 Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước Fp 1.531,0 1,1
II. Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi   90.105,0 66,6
5 Đất mùn vàng đỏ trên đá sét và đá biến chất Hs 90.105,0 66,6
             III. Nhóm đất phù sa   2.316,0 1,7
6 Đất phù sa ngòi suối Py 2.316,0 1,7
  Diện tích tự nhiên   149.526,47 100,0
 
(Nguồn: Phân viện Quy hoạch và TKNN miền Trung năm 2005.)
b.1. Nhóm đất đỏ vàng: Diện tích 42.968,22 ha, chiếm 31,7% diện tích đất tự nhiên. Phân bố ở xã Đắk Choong, Mường Hoong, Đắk Nhoong, Đắk Man, Đắk Long. Đất hình thành từ các đá mẹ và mẫu chất khác nhau, phân bố trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm, có quá trình phá huỷ khoáng sét và tích tụ sắt nhôm chiếm ưu thế, vì vậy ở tầng tích tụ đất có màu đỏ vàng. Nhóm đất đỏ vàng huyện Đắk Glei  gồm 4 đơn vị phân loại đất sau:
- Đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính (Fk): Diện tích 1.723,22 ha, chiếm 1,3%, phân bố ở xã Đắk Choong, Đắk Long, Đắk Môn. Đất có tầng dày trên 100 cm, thành phần cơ giới tầng mặt cát pha (sét 33,2%, thịt 15,2%, cát 51,6%), các tầng dưới sét (sét 44,8-49,2%, thịt 11,6-13,0%, cát  39,2-43,0%), kết cấu viên cục, ít chặt, có độ xốp cao thấm nước và thoát nước tốt, phản ứng chua pH (KCl): 3,7-4,2, chất hữu cơ: 3-3,5%, đạm tổng số trung bình (0,134-0,196%), lân tổng số giàu ở tầng mặt 0,154%; đạt trung bình ở tầng kế 0,078%, các tầng dưới nghèo, hàm lượng lân dễ tiêu thấp. Đây là loại đất tốt nhất, phần lớn có tầng dày và phân bố ở địa hình ít dốc, thích nghi với nhiều loại cây trồng cạn, cây lâu năm như cà phê, quế, bời lời....
- Đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất (Fs): Diện tích 35.442,0 ha, chiếm 26,2% quỹ đất. Phân bố ở xã Đắk Choong, Đắk Plô, Đắk Pek, TT Đắk Glei, Đắk Kroong, Đắk Môn, Đắk Long và dọc theo suối Đắk Mỹ. Đất có thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng, tỷ lệ sét cao trên 35%. Đất có kết cấu tơi xốp và cấu tượng tảng cục sắc cạnh, chặt. Đất thường chua pH (KCl) = 4-4,5, chất hữu cơ trong đất nghèo đến trung bình 0,1-1,5%, đạm trung bình 0,263%, lân tổng số nghèo: 0,043-0,044%, kali trong đất nghèo 0,2-2%. Đất có độ phì nhiêu thấp, tầng đất thường mỏng và trung bình, nên khả năng sử dụng cho nông nghiệp rất hạn chế.
- Đất vàng đỏ trên đá macma axit (Fa): Diện tích ít nhất trong nhóm đất đỏ vàng 4.292,0 ha, chiếm 3,2% quỹ đất. Phân bố ở các xã Đắk Pék, Đắk KRoong, Đắk Long và thị trấn Đắk Glei. Đất có thành phần cơ giới cát pha đến thịt nhẹ phần nhiều là cát và thạch anh ( > 85% cát), kết cấu viên cục nhỏ, tỷ lệ hữu cơ trong đất thấp đến trung bình 0,5-1,5%, đạm tổng số 0,05-0,1%, lân trong đất rất nghèo 0,01-0,05%, Kali tổng số ở mức nghèo đến trung bình 2-2,5%. Diện tích đất đỏ vàng ít, nhưng chất lượng đất kém.
- Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa (Fp): Diện tích 1.531,0 ha, chiếm 1,1% quỹ đất. Phân bố chủ yếu ở các xã Đắk Long, Đắk Môn và dọc sông Đắk Pô Kô. Đất hình thành trên mẫu chất phù sa cổ, nghèo kiềm và thường có thành phần cơ giới nhẹ tới trung bình, phân bố trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm nên khoáng sét đã bị biến đổi đáng kể. Quá trình rửa trôi sét và các cation kiềm thổ xảy ra mạnh mẽ, trong đất hình thành tầng tích tụ sét, có dung lượng trao đổi cation thấp và có bão hoà bazơ thấp.
b.2. Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi (H): Có diện tích nhiều nhất trong huyện với 90.105,0 ha, chiếm 66,6%, phân bố ở tất cả các xã trong huyện. Nhóm đất này gồm có 1 đơn vị phân loại đất:
- Đất mùn vàng đỏ trên đá sét và biến chất (Hs): Diện tích 90.105,0 ha, chiếm 66,6%.
Nhóm đất này phân bố hầu hết trên địa hình cao trên 900 m, nên không có khả năng khai thác vào mục đích nông nghiệp, mà chủ yếu phục vụ cho lâm nghiệp.
b.3. Nhóm đất Phù sa (P): Có 1 đơn vị phân loại là đất phù sa ngòi suối (Py) diện tích 2.316,0 ha, chiếm 1,7%. Đất có đặc trưng màu nâu xám, tầng đất dày trên 100 cm, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến trung bình, đất có phản ứng chua pHKCl = 4-4,5, lượng hữu cơ tầng mặt: 1-3%, đạm tổng số: 0,1- 0,25%, nghèo lân: 0,02-0,025%. Phân bố tập trung ở ven suối Đắk Grang, suối Đắk Trang, suối Đắk Ter, diện tích đất này được khai thác đưa vào trồng lúa nước và hoa màu. Tầng dày của đất:
Theo số liệu của Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp Miền Trung trên bản đồ đất tỷ lệ 1/25.000 cho thấy đất huyện Đắk Glei  có 2 tầng dày chính sau:
- Tầng đất dày trên 100 cm: Diện tích 134.299,22 ha, chiếm 99,2% diện tích tự nhiên.
- Tầng đất dày từ 30 cm đến 50 cm: Diện tích 1.090 ha, chiếm 0,8% diện tích tự nhiên. 
Cấp độ dốc của đất:
- Cấp II từ 3-80:               3.139,0 ha, chiếm 2,3%.
- Cấp III từ 8-150:            2.928,0 ha, chiếm 2,2%.
- Cấp IV từ 15-200:          4.424,0 ha, chiếm 3,3%.
- Cấp V từ 20-250:           9.366,0 ha, chiếm 6,9 %.
- Cấp VI từ 25-300:          99.759,0 ha, chiếm 73,7%.       
- Cấp VII từ 30-350:        9.327,0 ha, chiếm 6,9%.
- Cấp VIII trên > 350:      6.446,22 ha, chiếm 4,8%.
Đất của huyện Đắk Glei phần lớn đất có độ dốc từ 20-350, chiếm 73,7% diện tích đất tự nhiên, độ dốc dưới 200 chiếm 7,8%. Khả năng mở rộng đất   nông nghiệp ở vùng này rất hạn chế, chỉ có thể phát triển lâm nghiệp hoặc nông lâm kết hợp.
5.2. Tài nguyên nước:   
a.  Nguồn nước mặt: Bao gồm nước mưa và nước trong hệ thống sông suối trên địa bàn Huyện, nhưng chủ yếu là nguồn nước các sông, suối cung cấp. Với lượng mưa trung bình năm 2100-2600 mm, nên nhìn chung nguồn nước mặt của Huyện khá lớn, được phân bố đều trong các xã, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, do hệ thống sông suối nhỏ hẹp, sườn có độ dốc lớn nên khả năng giữ nước rất hạn chế.
b. Nguồn nước ngầm: Nguồn nước ngầm Đắk Glei tương đối dồi dào về trữ lượng, chất lượng nước ngầm tốt do thảm thực vật, độ che phủ cao, mực nước ngầm cao (mạch nước ngầm nông) phục vụ tốt cho sinh hoạt và tưới tiêu của nhân dân. Ở các xã vùng thấp, mạch nước ngầm có độ sâu từ 10-15m, lưu lượng nước cấp 15-20 m3/giây.
Vì vậy, để điều hòa chế độ thủy văn trong hai mùa mưa và mùa khô, đồng thời khai thác tốt nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, Huyện cần phải xây dựng các công trình thủy lợi kết hợp với công trình thủy điện phục vụ bơm nước và sinh hoạt. Ngoài các công trình thủy điện đã xây dựng, Huyện cần xây dựng thêm 1 số công trình mới và hạn chế việc chặt phá rừng, phát rẫy hai bên sườn núi và rừng đầu nguồn các sông chính, để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

5.3. Tài nguyên rừng:

Theo thống kê đất đai huyện Đắk Glei đến ngày 01/01/2017, toàn huyện có 133.140,2 ha đất lâm nghiệp có rừng, chiếm 71,37% diện tích đất tự nhiên. Trong đó diện tích rừng sản xuất 28.918,63 ha, chiếm 27,13 % diện tích đất lâm nghiệp; diện tích rừng phòng hộ 40.985,77 ha, chiếm 38,45 % diện tích đất lâm nghiệp, tập trung ở xã Đắk Plô, Đắk Nhoong, Đắk Long; diện tích rừng đặc dụng 36.693,54 ha, chiếm 34,42% diện tích đất lâm nghiệp, tập trung ở các xã Đắk Choong, Xốp, Mường Hoong, Ngọc Linh. Đặc điểm rừng huyện Đắk Glei có độ che phủ cao, thảm thực vật dày. Do công tác bảo vệ, khoanh nuôi và trồng mới trên địa bàn huyện trong những năm qua thực hiện tương đối tốt. Diện tích rừng trồng toàn huyện 1.085,89 ha, trong đó chủ yếu là rừng trồng nguyên liệu giấy. Rừng Đắk Glei có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng như: dẻ, trầm, muồng, thông, trắc, hương, bò rừng, bò tót,... lâm sản phụ như song, mây... Độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện đạt khoảng trên 70%.

5.4.  Tài nguyên khoáng sản:

Theo số liệu điều tra sơ bộ cho thấy trên địa bàn huyện có các loại khoáng sản, cấu trúc khác nhau và vị trí nằm rải rác, gồm có:
- Nhóm khoáng sản kim loại quý hiếm, gồm có mỏ vàng gốc, phân bố ở các xã Đắk Pék, Đắk Nhoong, Đắk KRoong và thị trấn Đắk Glei, ở độ sâu 5-6m và 40-60m; Vàng sa khoáng phát triển ở hầu hết các con suối rải rác khắp các xã trong huyện, tập trung nhiều hơn ở thung lũng Đắk Pék.
- Nhóm khoáng sản đá quý, phân bố ở xã Đắk Long và Đắk Choong, gồm các loại Rubi và Saphia.
- Nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng, gồm có đá, cát, sỏi xây dựng. Đá xây dựng có trên các núi đá phân bố đều tại các xã, được khai thác phục vụ cho nhu cầu xây dựng tại chỗ. Các cở sở khai thác đá có quy mô nhỏ hơn 30.000 m3/năm, nhưng do khai thác thủ công nên một số cơ sở đã làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và gây lãng phí tài nguyên; Nguồn cát sỏi xây dựng khá phong phú do Đắk Glei có nhiều sông, suối. Hiện nay, theo thống kê huyện có nhiều tổ hợp, hộ cá thể khai thác cát, sỏi khoảng 16.000 m3/năm.
- Nhóm khoáng sản vật liệu chịu lửa: Gồm có silimanit, dolomit, quazit.
5.5.  Tài nguyên nhân văn:
Dân tộc trên địa bàn huyện chiếm phần lớn là người Xê Đăng, còn lại là Kinh, Giẻ Triêng chiếm với tỷ lệ rất thấp. Cộng đồng các dân tộc huyện Đắk Glei  giàu lòng yêu nước, đoàn kết và có trình độ tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất đời sống, hình thành cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống và xây dựng huyện ngày càng phát triển.
Mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng tạo cho huyện có một nền sắc thái văn hoá hết sức đa dạng và phong phú. Hiện vẫn còn duy trì một số lễ hội cổ truyền như lễ hội ăn mừng lúa mới sau khi thu hoạch lúa, ăn lúa kho, lễ hội đâm trâu của đồng bào Xê Đăng...
Ngoài ra tập quán sản xuất của mỗi dân tộc cũng có những nét đặc trưng riêng với nhiều ngành nghề khác nhau đã hình thành nên một số ngành nghề như dệt thổ cẩm, khai thác mây, tre... Đây thực sự là một trong những yếu tố để khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện nhằm phát triển các nghề thổ cẩm, đan lát trong tương lai.

6. Thực trạng môi trường:

6.1. Môi trường đất:
Việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp cộng với quy trình sử dụng chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, việc bảo quản, quản lý cũng như xử lý thuốc, bao bì còn tùy tiện đã có ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đất. Đây là vấn đề cần được quan tâm đúng mức nhằm thúc đẩy quá trình cải tạo đất và cải thiện môi trường đất trong tương lai.
6.2. Môi trường nước:
- Nước mặt: Môi trường nước trong những năm gần đây có những thay đổi đáng kể, chủ yếu là do canh tác không hợp lý trên các vùng đất dốc trong lưu vực các sông, với quy mô lớn. Phần lớn các sông đều có hiện tượng tăng lưu tốc và lưu lượng dòng chảy, nước đục, tỷ lệ cát phù sa bồi lắng cao.
- Nước dưới đất: Mặc dù có những thay đổi đáng kể, nhưng trong những năm gần đây nguồn nước dưới đất vẫn bị ô nhiễm nhẹ. Nguyên nhân do nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư, các công trình vệ sinh phần lớn là tự chảy, tự thấm, nước thấm từ các bãi rác không được qua xử lý gây ô nhiễm mạch nước ngầm ở tầng nông. Nhìn chung chất lượng môi trường nước dưới đất của huyện còn khá tốt, đáp ứng được yêu cầu cấp nước sinh hoạt và các mục đích khác.
6.3. Môi trường không khí:
- Cũng như nhiều vùng nông thôn miền núi khác, ô nhiễm môi trường không khí do khí thải của Đắk Glei xuất hiện do những hoạt động kinh tế như hoạt động giao thông vận tải, hoạt động sản xuất và xây dựng.
- Đối với hoạt động giao thông vận tải gây ô nhiễm bụi và một số ít khí thải sản sinh do các phương tiện giao thông (xe máy, xe cơ giới) tham gia giao thông trên các trục đường, đặc biệt là những nơi có mật độ giao thông đông đúc, những đầu mối giao thông, nơi có các trục đường chính giao nhau.
- Đối với các đơn vị khai thác chế biến đá làm vật liệu xây dựng, nổ mìn khai thác mỏ với các hoạt động vận chuyển đất đá đã phần nào làm ô nhiễm môi trường khu vực.
- Đối với tiếng ồn: Với tốc độ đô thị hóa ngày cành cao, sự phát triển của các cơ sở dịch vụ, thương mại và sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều là nguyên nhân gây ra ô nhiễm tiếng ồn, trong đó, sự gia tăng của phương tiện giao thông vận tải là nguyên nhân chính.
Hiện trạng sử dụng đất năm 2017;
Tổng diện tích đất tự nhiên 149.364,5 ha. Trong đó:
- Đất nông nghiệp: 139.225,48 ha; Cụ thể: Đất trồng lúa: 2.606,75 ha; đất trồng cây hàng năm khác: 20.415,36 ha; đất trồng cây lâu năm: 9.607,35 ha; đất rừng phòng hộ: 40.972,65 ha; đất rừng đặc dụng: 36.693,55 ha; đất rừng sản xuất: 28.914,16 ha; đất nuôi trồng thủy sản: 15,47 ha; đất nông nghiệp khác: 0,2 ha.
- Đất phi nông nghiệp: 3.319,03 ha; Cụ thể: Đất quốc phòng: 92,28 ha; đất an ninh: 1,35 ha; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp: 9,65 ha; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản 247,6 ha; đất phát triển hạ tầng cấp huyện, cấp xã: 1.743,34 ha; đất có di tích văn hóa: 25,64 ha; đất bãi thải, xử lý chất thải: 0,72 ha; đất ở tại nông thôn: 354,94 ha; đất ở tại đô thị: 70,65 ha; đất xây dựng trụ sở cơ quan: 11,89 ha; đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp: 8,14 ha; đất cơ sở tôn giáo: 1,45 ha; đất làm nghĩa trang nghĩa địa: 56,44 ha; đất sản xuất vật liệu xây dựng: 12,13 ha; đất sinh hoạt cộng đồng: 3,25 ha; đất khu vui chơi, giải trí công cộng: 1,7 ha; đất sông ngòi kênh rạch, suối: 673,73 ha; đất có mặt nước chuyên dùng: 4,11 ha.
- Đất chưa sử dụng: 6.820 ha, trong đó là đất đồi núi chưa sử dụng.
 
 


Số lượt xem:8819
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

909309 Tổng số người truy cập: 2579 Số người online:
TNC Phát triển: