banner
Thứ 7, ngày 18 tháng 5 năm 2024
Thực hiện bình đẳng giới theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
3-5-2024

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”[1], mà còn đặc biệt quan tâm vấn đề thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ - nội dung căn cốt nhất của công cuộc giải phóng phụ nữ phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; đồng thời gắn công cuộc này với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Bác Hồ với các phụ nữ dân tộc thiểu số (ảnh tư liệu)
 
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì “đàn bà con gái cũng nằm trong Nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại, nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”, cho nên Người không chỉ nhấn mạnh phụ nữ là “phần nửa xã hội”, mà còn khẳng định “nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng nửa loài người”. Vì thế, Người không chỉ cùng Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do, mà còn đặc biệt quan tâm vấn đề giải phóng người phụ nữ khỏi những quan niệm cổ hủ “trọng nam khinh nữ”, để phụ nữ được bình đẳng với nam giới về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là được đảm nhiệm trọng trách tại các cơ quan của Đảng và hệ thống chính trị theo đúng Hiến pháp, pháp luật...
Vì thế, những năm sau khi nước nhà giành được độc lập, cùng với việc chú trọng xây dựng nền dân chủ cộng hòa, tiến hành các cuộc kháng chiến để bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện khát vọng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và ngày càng giàu mạnh, là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng và Chính phủ quan tâm, thực hiện, bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trở thành hiện thực. Về vấn đề này, Người không chỉ khẳng định “ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”, mà còn đồng thời chỉ rõ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa phụ nữ đã được giải phóng. Quyền bình đẳng của phụ nữ không chỉ được hiến định tại Hiến pháp, mà còn được chú trọng khi xây dựng Luật hôn nhân và gia đình. Theo Người, đạo luật này có quan hệ mật thiết đến mọi người dân, đến nòi giống của Việt Nam, cho nên nội dung của luật phải thể hiện rõ sự bình đẳng, hạnh phúc của người phụ nữ, của từng gia đình - đó chính là “làm cho gái trai thật sự bình quyền, gia đình thật sự hạnh phúc”…
Từ những điều Người nghĩ đến những việc Người làm đều hiển hiện tấm lòng và sự quan tâm dành cho phụ nữ; cổ vũ, động viên phụ nữ vươn lên về mọi mặt. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng, bình đẳng giới không chỉ được ghi trong Hiến pháp, pháp luật; không phải chỉ là lời nói, là hiểu đơn giản về sự bình quyền giữa nam và nữ một cách máy móc, cứng nhắc (trong gia đình và ngoài xã hội); không chỉ dừng ở việc phân công cho hai giới những công việc như nhau, khối lượng bằng nhau, mà chính là thực hiện công tác cán bộ/công tác liên quan đến vấn đề con người; là sự thấu hiểu, sẻ chia để sắp xếp công việc cho phụ nữ một cách khoa học, hợp tình hợp lý, phù hợp với sức khỏe, thể chất và chức năng của giới. Đồng thời, đó còn là cùng với việc xây dựng chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp để giải phóng phụ nữ, phát huy mọi khả năng, tiềm năng của người phụ nữ, thì bản thân mỗi phụ nữ cũng phải tự vượt lên những suy nghĩ tự ti, bảo thủ, ỷ lại của bản thân để không ngừng học hỏi/nâng cao tinh thần làm chủ/phấn đấu/tự cường, tự lập/giúp đỡ lẫn nhau và phải tự mình “giữ gìn quyền bình đẳng” khi tích cực tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và góp sức tạo dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc từ trong mỗi gia đình.
Để hiểu sâu sắc quyền lợi và nghĩa vụ của mình và thực sự được giải phóng hoàn toàn, thì: Một mặt, tự bản thân mỗi người phải nỗ lực phấn đấu về mọi mặt để làm giàu tri thức, kỹ năng, nghề nghiệp cho mình; mặt khác còn phải đấu tranh để xóa bỏ mọi định kiến hẹp hòi, mọi hủ tục, tệ nạn xã hội, tàn dư phong kiến, sự coi thường phụ nữ trên tinh thần “vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”. Giải phóng phụ nữ nói chung, thực hiện bình đẳng nam nữ nói riêng chính là một cuộc cách mạng, song kết quả đạt được không phải chỉ là một sớm một chiều, bởi trọng nam khinh nữ đã in sâu trong tư tưởng của nhiều người, nhiều gia đình và ở mọi tầng lớp xã hội. Do đó “công cuộc giải phóng” này phải có sự vào cuộc của cả xã hội; phải được tiến hành thường xuyên, triệt để, vì “phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng sự quan tâm của Người đối với phụ nữ; sự tuyên truyền, giác ngộ cùng những chỉ dẫn, căn dặn của Người để phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung nhận thức sâu sắc hơn vai trò của phụ nữ, vận động mọi người cùng thấu hiểu, chia sẻ, tạo điều kiện, giúp đỡ để phụ nữ vươn lên khẳng định mình, tạo cơ sở cho việc thực hiện bình đẳng giới trong xã hội vẫn luôn được thực hiện sinh động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Một trong những điều kiện quan trọng nữa để thực hiện được bình đẳng giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, đó là dù phải đối mặt với rất nhiều thách thức, với những định kiến khắt khe theo quan niệm truyền thống, song “chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”. Đó chính là, mỗi người đều phải tự mình khắc phục khó khăn, nỗ lực học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt và rèn luyện các kỹ năng cần thiết để không chỉ tham gia các hoạt động xã hội, việc làm… mà còn phải nhận thức đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình để có điều kiện/đảm bảo điều kiện thực hiện tốt nhất vai trò người công dân, người lao động, người vợ, người mẹ và xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng.

 
Thực hiện: Nguyễn Tú

Số lượt xem:125
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

975459 Tổng số người truy cập: 2657 Số người online:
TNC Phát triển: