Bộ Công an tiếp tục phát triển ứng dụng VNeID, mở rộng các dịch vụ và tiện ích, giúp người dân sử dụng hiệu quả và thuận tiện hơn...
Người dân thiết lập hồ sơ trên ứng dụng VNeID
Đồng thời, Bộ tiếp tục mở rộng thêm nữa các tiện ích khác, đảm bảo VNeID ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, thân thiện hơn và sử dụng dễ hơn cho người dân.
Theo người phát ngôn Bộ Công an, ứng dụng VNeID bản chất là hồ sơ điện tử cá nhân của một người. Với hồ sơ điện tử cá nhân như vậy, Bộ Công an đã chỉ đạo và xây dựng rất nhiều nội dung tích hợp vào đây.
Thứ nhất, cập nhật giấy tờ. Hiện nay, người dùng đã cập nhật được trên ứng dụng này ngoài căn cước, đã có giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế. Hiện nay, việc sử dụng giấy phép lái xe trên VNeID được coi là tài liệu chính thức, được xuất trình trong quá trình kiểm tra giao thông mà không cần phải mang giấy phép lái xe vật lý.
Thứ hai, đưa các dịch vụ phục vụ người dân trên hệ thống VNeID. Ví dụ, cấp lý lịch tư pháp thay vì phải đến các Sở Tư pháp, người dân có thể dùng VNeID rất nhanh, hoặc đăng ký ô tô toàn trình, đăng ký lần đầu cũng được sử dụng trên ứng dụng VNeID.
Những lĩnh vực khác như các hoạt động liên quan đến cư trú, đăng ký cư trú, thay đổi cư trú… hoàn toàn làm trên VNeID được. Đến nay, đã có 33 dịch vụ các loại đăng ký trên ứng dụng này.
Trong Thông báo số 487/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID cho biết, các Bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công an đề xuất triển khai, tích hợp tiếp những loại giấy tờ đang quản lý và cung cấp các tiện ích mới trên ứng dụng VNeID như xác nhận tình trạng hôn nhân, thông báo thi hành án dân sự, thông tin giáo dục, đào tạo…
Những đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng số, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh kết nối thông suốt với cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các phần mềm nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành trong năm 2024.
Các bộ, cơ quan tập trung sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp để cắt giảm yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp thuộc phạm vi quản lý.
T/h: Y Đông