banner
Thứ 5, ngày 16 tháng 1 năm 2025
Chữ ký số là một thành phần của hạ tầng số Việt Nam
24-12-2024

      Một mục tiêu đặt ra trong chiến lược hạ tầng số Việt Nam là tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50% vào năm 2024 và hơn 70% vào năm 2030.
      Tại ‘Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030’, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ hạ tầng số của Việt Nam có 4 thành phần chính gồm hạ tầng viễn thông và Internet; hạ tầng dữ liệu; hạ tầng vật lý - số; hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ.
Hình ảnh chú ký số.
 
       Chiến lược cũng chỉ ra rằng, chữ ký số và chứng thực chữ ký số là một yếu tố thuộc hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ. Một mục tiêu đặt ra trong chiến lược là tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50% vào năm 2024 và hơn 70% vào năm 2030.
        Theo thống kê của Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tính đến ngày 21/11/2024, số chứng thư chữ ký số đã cấp cho người dân Việt Nam trưởng thành là 12,44 triệu chứng thư.
       Một trong những hạn chế của việc triển khai phổ cập chữ ký số cá nhân là hiện tại chữ ký số cá nhân mới chỉ được sử dụng chủ yếu trong một số lĩnh vực như kê khai và nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội...
       Trong khi đó, nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, bao gồm cả ngân hàng hay mua sắm trực tuyến là những lĩnh vực có tiềm năng, song thực tế số lượng người dân sử dụng chữ ký số chưa nhiều.
       Mặt khác, các cơ quan quản lý đang tập trung hơn vào việc thúc đẩy cung cấp chữ ký số cho người dân; chưa chú trọng nhiều vào phát triển môi trường, ứng dụng ký số, cũng như đưa ra các biện pháp để thúc đẩy, khuyến khích hay chế tài cho việc sử dụng chữ ký số.
        Vì thế, để thúc đẩy sử dụng chữ ký số cá nhân trong thời gian tới, Bộ TT&TT cho rằng: Các tổ chức, doanh nghiệp cần xây dựng và phát triển những ứng dụng, nền tảng hỗ trợ ký số trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, mua sắm trực tuyến, y tế, giáo dục, bất động sản và thương mại điện tử.
        Song song đó, chữ ký số cá nhân cần được tích hợp vào những ứng dụng quen thuộc với người dùng như email, hệ thống quản lý tài liệu và giao dịch trực tuyến trên nền tảng.
        Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các chương trình truyền thông về lợi ích và tiện lợi của chữ ký số; triển khai các khóa bồi dưỡng, hướng dẫn trực tuyến để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng chữ ký số.
        Để phổ cập chữ ký số cá nhân cho người dân Việt Nam trưởng thành, việc quan trọng hơn cả chính là cần có các cơ chế, chính sách ‘kích cầu’, tạo thuận lợi cho người dân bằng cách phổ biến các dịch vụ trực tuyến, trong đó có những dịch vụ cần đến chữ ký số cá nhân.
        Song song đó, cần có sự đồng hành về mặt chính sách của cơ quan nhà nước. Đơn cử như, trước đây khi triển khai dịch vụ khai thuế qua mạng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có chính sách, lộ trình và xác định rõ thời điểm chỉ nhận tờ khai điện tử, không nhận tờ khai giấy.
T/h: Y Đông
Theo Vietnamnet.vn
 

Số lượt xem:44
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1494065 Tổng số người truy cập: 5550 Số người online:
TNC Phát triển: