banner
Thứ 5, ngày 16 tháng 1 năm 2025
Đấu tranh, Ngăn chặn Hoạt động “Truyền thông bẩn” trên Không gian mạng trong giai đoạn hiện nay
10-12-2024

        Hiện nay, “truyền thông bẩn” trên không gian mạng xuất hiện dưới nhiều hình thức và nội dung khác nhau, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều đối tượng trong xã hội. Một trong những hình thức phổ biến nhất của "truyền thông bẩn" là tin giả (fake news), những thông tin sai sự thật, không có căn cứ, được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội và phương tiện truyền thông với mục đích gây hiểu lầm, đánh tráo nội dung, hoặc kích động hoang mang trong dư luận xã hội. Tin giả thường được lan truyền nhanh chóng và rộng rãi trên mạng xã hội, nơi mà việc kiểm duyệt thông tin gặp khó khăn.
ảnh minh họa
 
         Ngoài ra, một số cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng các kênh truyền thông để tung tin đồn, bóp méo sự thật, hoặc cắt ghép thông tin nhằm tạo ra những hình ảnh sai lệch về sự kiện, tổ chức, hoặc cá nhân. Mục tiêu là gây tổn hại đến uy tín, danh dự, hoặc làm phức tạp tình hình dư luận xã hội. Đặc biệt, các chiến dịch tấn công uy tín cá nhân thông qua "truyền thông bẩn" trở nên phổ biến, với việc công kích cá nhân, vu khống, bêu xấu, lăng mạ, làm nhục, hoặc tiết lộ thông tin riêng tư, gây tổn hại nghiêm trọng đến đời sống cá nhân của người bị tấn công.
        Hệ lụy của "truyền thông bẩn" trên không gian mạng
        Những hệ lụy của “truyền thông bẩn” không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân và tổ chức bị nhắm đến mà còn lan rộng ra toàn xã hội. Sự tiếp tay của "quyền lực tối thượng của cộng đồng mạng" dẫn đến việc tạo ra sự hoài nghi, giảm niềm tin vào các phương tiện truyền thông. Khi người dùng mạng xã hội thường xuyên tiếp xúc với thông tin sai lệch, họ sẽ dần mất niềm tin vào tất cả các nguồn tin, kể cả những nguồn tin chính thống và đáng tin cậy.
       Không chỉ vậy, tin giả và thông tin sai lệch còn có thể kích động sự thù hận, phân biệt đối xử, và gây chia rẽ trong cộng đồng. Các nạn nhân của “truyền thông bẩn” không chỉ bị tổn hại về uy tín cá nhân mà còn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp và đời sống riêng tư. Trong một số trường hợp, "truyền thông bẩn" còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế khi ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của các doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, và tài chính. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch còn triệt để sử dụng “truyền thông bẩn” nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
        Đấu tranh, ngăn chặn và xóa bỏ “truyền thông bẩn”
        Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng  đã và đang tích cực triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng xã hội để phát tán thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống và xúc phạm uy tín của cá nhân, tổ chức.
 Để ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ "truyền thông bẩn" trên không gian mạng, cần có những biện pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức truyền thông và toàn xã hội. Trước hết, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng các dịch vụ mạng xã hội, chủ động trang bị kiến thức để phân biệt tin thật và tin giả. Việc xác định nguồn cung cấp thông tin chính thống và tin cậy là rất quan trọng để tránh bị lợi dụng bởi thông tin sai lệch. Hơn nữa, mỗi cá nhân cần thực hiện nghiêm túc các quy tắc ứng xử và quy định trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
        Các biện pháp pháp lý trong xử lý “truyền thông bẩn”
        Hiện nay, pháp luật đã có quy định cụ thể về việc xử lý đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo và thông tin sai sự thật. Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, hành vi lợi dụng mạng xã hội để đưa ra thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống có thể bị phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, những hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội như vu khống (Điều 156), làm nhục người khác (Điều 155), xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại (Điều 159), hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước và tổ chức cá nhân (Điều 331).
       Việc đấu tranh và ngăn chặn "truyền thông bẩn" trên không gian mạng là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ từ các cơ quan chức năng, các tổ chức truyền thông, và sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Chỉ khi nhận thức của cộng đồng được nâng cao và các biện pháp pháp lý được thực thi nghiêm minh, "truyền thông bẩn" mới có thể bị đẩy lùi, góp phần bảo vệ sự an toàn của không gian mạng và củng cố niềm tin vào các nguồn thông tin chính thống.
Thực hiện: Nguyễn Tú
 
 
 
 
 

Số lượt xem:35
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1494004 Tổng số người truy cập: 5081 Số người online:
TNC Phát triển: