banner
Thứ 7, ngày 26 tháng 4 năm 2025
Bệnh đạo ôn hại lúa và biện pháp phòng trừ
29-10-2024
 
Bệnh đạo ôn gây hại trên lá lúa
 
           Bệnh Đạo ôn lúa có thể phát sinh từ thời kỳ cây con đến khi thu hoạch và có thể gây hại trên tất cả các bộ phận của cây lúa như lá, bẹ lá, cổ bông, gié và hạt. Trong đó, bệnh Đạo ôn lá hay còn gọi là bệnh Cháy lá lúa thường gây hại nặng trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có giống kháng bệnh, cũng như nếu phòng trị không kịp thời thì bệnh sẽ lây lan nhanh và ảnh hưởng đến năng suất lúa cuối vụ gây thiệt hại kinh tế cho người dân.
           Bệnh đạo ôn hay còn gọi là bệnh cháy lá do nấm Pyricularia Oryzea gây ra, là đối tượng bệnh nguy hiểm trên cây lúa.
           Khi cây lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, nông dân rất khó phát hiện bệnh ở giai đoạn vết bệnh cấp tính (chưa hình thành bào tử). Mỗi vết bệnh mạn tính có thể phóng thích từ: 2.000-6.000 bào tử trong 1 ngày đêm và kéo dài 15 ngày, có nguy cơ hình thành nên hàng nghìn vết bệnh mới chỉ sau 5-7 ngày. Việc phòng trừ thường tốn kém, độc hại, phải xử lý nhiều lần và hiệu quả thấp.
           Để phòng trừ hiệu quả bệnh đạo ôn cần nắm vững các đặc điểm quan trọng sau của bệnh: Bệnh gây hại nhiều bộ phận trên cây lúa như lá (đạo ôn lá), cổ bông (đạo ôn cổ bông), cổ gié, đốt thân. Vết bệnh ban đầu là chấm kim nhỏ màu nâu, sau đó vết bệnh lớn dần có hình bầu dục, màu nâu nhạt, kích thước khoảng 1/2mm. Trong điều kiện ẩm độ không khí cao, bão hòa (trời âm u, có sương, mưa) thì trên vết bệnh cấp tính có một lớp mốc màu nâu xám, sũng nước, đó là các sợi nấm đang phát triển. Sau đó, vết bệnh chuyển thành dạng hình thoi (hình mắt én) ở giữa có màu nâu sáng, xung quanh có quầng vàng. Lúc này vết bệnh ở giai đoạn mãn tính, đã sản sinh và phóng thích bào tử vào khổng khí.
Ruộng lúa bị bệnh đạo ôn lá
 
         Bệnh đạo ôn phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ từ 20-28 độ C, thuận lợi nhất từ 24-28 độ C, ẩm độ không khí trên 90% (trời có mưa, mưa phùn, sương mù). Tuy nhiên, thực tế đồng ruộng thấy, nếu nhiệt độ ban ngày cao (trên 30 độ C) và ban đêm lạnh, có sương mù thì bệnh cũng phát triển mạnh. Thời gian ủ bệnh (từ khi bào tử nảy mầm, xâm nhiễm đến biểu hiện ra vết bệnh bên ngoài) khoảng 5-6 ngày, tùy theo điều kiện nhiệt độ, cụ thể như sau: 9-10 độ C, thời gian ủ bệnh 13-18 ngày; 17-18 độ C, thời gian ủ bệnh 7-9 ngày; 20-25 độ C thời gian ủ bệnh 5-6 ngày; 26-28 độ C, thời gian ủ bệnh 4-5 ngày.
          Ngoài ra, các điều kiện ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh đạo ôn bao gồm các yếu tố như đất đai, phân bón, giống nhiễm. Những chân ruộng nhiều mùn, trũng, ẩm, khó thoát nước, những vùng đất mới vỡ hoang, đất nhẹ, giữ nước kém, khô hạn phù hợp cho bệnh phát triển. Phân đạm ảnh hưởng nặng nhất đến tốc độ phát triển của bệnh, việc bón đạm cao khiến tế bào ít được silic hóa, làm thành vách trở nên mềm, nấm bệnh dễ xâm nhập và gây hại.
           Biện pháp phòng trừ:
           Dọn sạch tàn dư (rơm rạ) ở các chân ruộng có tiền sử bệnh đạo ôn và tiêu hủy. Hạn chế gieo trồng các giống lúa mẫn cảm với bệnh đạo ôn.
Bón phân NPK hợp lý, theo từng giai đoạn (giai đoạn mạ, giai đoạn đẻ nhánh, giai đoạn làm đòng, giai đoạn trỗ, chín). Không bón đạm tập trung vào thời kỳ cây lúa dễ nhiễm bệnh. Khi bệnh xuất hiện cần phải dừng việc bón thúc đạm, tuyệt đối không phun các loại phân bón lá và tiến hành các biện pháp phòng trừ.
Bệnh đạo ôn gây hại trên lúa
 
          Khi phát hiện bệnh cần tiến hành phòng trừ sớm và nhanh ngay giai đoạn vết bệnh cấp tính. Nếu phát hiện muộn, vết bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính (hình mắt én) thì cần tiến hành phun lại lần 2 sau phun lần 1 từ 5-7 ngày. Đối với đạo ôn cổ bông, cần tiến hành phun phòng trước khi lúa trỗ 7-10 ngày. Sử dụng ngay thuốc bảo vệ thực vật chứa các hoạt chất như: Trycyclazole, Isoprothiolane, Tebuconazole, Iprobenfos, Azoxystrobin, Difenoconazole ... có trong một số tên thương phẩm như: Angate 75WP, Filia 525SE, Ninja 35EC, Beam 75WP, Bump 650WP, Xanilzol 500SC, Nativo 750 WG, Newtec 300SC... Sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng”, nên luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun, cần phun ướt đẫm lá và thân; phun vào lúc chiều mát, tránh ảnh hưởng đến quá trình phơi màu của lúa./.
Thực hiện: Y Đông
 

Số lượt xem:5668
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Nguyễn Khắc Trúc, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1632818 Tổng số người truy cập: 8641 Số người online:
TNC Phát triển: