Cuối năm là thời điểm không chỉ các hoạt động kinh tế, thương mại diễn ra sôi động mà cũng là thời điểm các chiêu trò lừa đảo ngày càng gia tăng, đặc biệt trên không gian mạng. Dù đã có nhiều cảnh báo về các hình thức lừa đảo, nhưng không ít người dân vẫn trở thành nạn nhân. Dưới đây là một số chiêu thức lừa đảo phổ biến mà người dân cần đặc biệt cảnh giác trong dịp cuối năm.
Lừa đảo mua sắm dịp giảm giá
Cuối năm là thời điểm các chương trình khuyến mãi, giảm giá diễn ra mạnh mẽ, nhằm kích cầu mua sắm. Lợi dụng tâm lý "săn sale", các đối tượng lừa đảo thường xuyên gửi email, tin nhắn giả mạo các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki với những chương trình ưu đãi hấp dẫn. Các đối tượng xấu cũng tạo ra các trang web, Fanpage giả mạo giống hệt với những trang chính thức của các thương hiệu lớn, dụ dỗ người tiêu dùng vào các giao dịch mua bán nhằm chiếm đoạt tài sản.
Giả danh giao hàng (shipper) lừa chuyển khoản
Một hình thức lừa đảo mới nhưng đã gây không ít thiệt hại là giả danh shipper để yêu cầu người nhận thanh toán chuyển khoản. Những kẻ lừa đảo gọi điện thông báo giao hàng cho khách nhưng yêu cầu thanh toán qua chuyển khoản vì lý do không có người nhận. Sau đó, khi khách phản hồi không nhận được hàng, đối tượng sẽ tiếp tục dụ dỗ người tiêu dùng đăng ký nhận tiền hoàn lại qua các đường link chứa mã độc, từ đó chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Lừa đảo bán vé máy bay, phòng khách sạn giá rẻ
Vào dịp cuối năm, đặc biệt là trong các kỳ nghỉ lễ Tết, nhu cầu đi lại và du lịch tăng cao, các chiêu trò lừa đảo bán vé máy bay, tàu xe giá rẻ hay phòng khách sạn cũng trở nên phổ biến. Các đối tượng lừa đảo giả mạo website của các hãng hàng không như Vietnam Airlines để bán vé máy bay giả, chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng. Tương tự, nhiều cơ sở lưu trú bị giả mạo Fanpage, hình ảnh và bài đăng, cung cấp phòng khách sạn giá rẻ để lừa đảo người tiêu dùng đặt phòng và yêu cầu thanh toán cọc trước từ 70-100%.
Các chiêu trò lừa đảo khác
Ngoài các hình thức lừa đảo phổ biến nêu trên, trong dịp cuối năm còn nhiều chiêu trò khác như: lừa đảo qua việc mua hàng hoàn tiền, nhận quà trúng thưởng hoặc thực hiện các nhiệm vụ kiếm thu nhập không hợp lý. Các đối tượng lừa đảo luôn biết cách sử dụng những hình thức và mánh khóe mới để thu hút nạn nhân, đặc biệt là qua mạng xã hội và các cuộc gọi không rõ danh tính.
Cảnh giác và biện pháp phòng ngừa
Để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo, người dân cần cảnh giác và chủ động bảo vệ thông tin cá nhân. Cụ thể:
Không tham gia vào các giao dịch tài chính qua điện thoại hoặc các đường link không rõ nguồn gốc.
Không cung cấp thông tin thẻ CCCD, tài khoản ngân hàng hoặc mã OTP cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức không quen biết.
Xác minh kỹ các thông tin trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, đặc biệt là từ các trang web hoặc quảng cáo trên mạng xã hội.
Không chuyển khoản hoặc thanh toán tiền trước cho những món hàng hoặc dịch vụ không rõ ràng, giá quá rẻ hoặc dễ dàng có được.
Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và hướng dẫn xử lý kịp thời.
Các chiêu trò lừa đảo vào dịp cuối năm rất tinh vi và biến tướng, do đó, người dân cần luôn cảnh giác và thận trọng. Việc chủ động bảo mật thông tin cá nhân, không vội vã trong các quyết định tài chính và xác minh các giao dịch sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo.
Thực hiện: Nguyễn Tú