Chủ động phòng ngừa cúm A
30-1-2024
Cúm A (còn được gọi là cúm mùa), là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A gây nên, có nhiều chủng H1N1, H5N1, H3N2, H7N9… Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và nhanh trong cộng đồng, do vậy người dân cần chủ động các biện pháp để phòng tránh bệnh hiệu quả.
Những tháng cuối năm thời tiết giao mùa, trời lạnh, hanh khô là thời điểm lý tưởng để các loại vi rút gây bệnh bùng phát, trong đó cúm A có khả năng lây lan mạnh.
Cúm A có một số biểu hiện ban đầu giống như cảm lạnh thông thường với những triệu chứng như: chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể, kèm theo các dấu hiệu sốt, viêm họng, đau đầu... Phần lớn, bệnh có diễn biến nhẹ và bệnh nhân hồi phục sau 2 - 7 ngày. Rất khó phân biệt sốt do cúm A với sốt do nhiễm vi rút khác, nhưng các trường hợp sốt cao do cúm A thường kéo dài hơn. Đối với những người có hệ miễn dịch yếu gồm: người cao tuổi (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi), phụ nữ có thai thì triệu chứng có thể nặng hơn và tiến triển rất nhanh.
Đối tượng nào cũng có thể mắc cúm A, tuy nhiên một số trường hợp có nguy cơ mắc cao và diễn biến nặng hơn, gồm: trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh mãn tính (tiểu đường, tim, phổi, suy thận, suy gan và suy giảm miễn dịch...), phụ nữ mang thai. Dù cúm A thường tiến triển không quá nặng, tuy nhiên đối với những người mắc bệnh lý về tim mạch, hô hấp hoặc trẻ nhỏ và người lớn tuổi thường sẽ trở nặng. Biến chứng viêm phổi thường gặp ở đối tượng trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh mạch vành, suy tim, đái tháo đường... Với phụ nữ mang thai, nếu mắc cúm A có thể gây biến chứng viêm phổi và xảy thai, nhất là những tháng cuối thai kỳ. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao.
Để chủ động phòng tránh bệnh cúm thông thường, đặc biệt là cúm A thì tiêm vắc xin là biện pháp phòng tránh hiệu quả giúp tạo lá chắn bảo vệ khỏi vi rút cúm cũng như nhiều bệnh lý khác. Mỗi người cần tăng cường vệ sinh cá nhân, nơi ở, lớp học, phòng làm việc, lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường; tăng cường vận động thể lực; đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiện vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi…; hạn chế tập trung nơi đông người, nhất là những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già và trẻ em tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh cúm. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không nên tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc uống mà đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra.
Tin: Y Đông
Số lượt xem:374
line_weight
BÀI VIẾT LIÊN QUAN: