Việc uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân đáng báo động. Chất cồn trong rượu bia ảnh hưởng phương tiện giao thông như: Thiếu tập trung; Giảm tầm nhìn; Giảm khả năng phán đoán; Gây cảm giác mệt mỏi hay buồn ngủ; có thể dẫn đến hành vi nguy hiểm như chạy quá tốc độ, vượt ẩu,…
Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia là: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Mặt khác, khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định về việc sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật khác như sau:
“1. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:
“8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên cho thấy, quy định về hành vi nghiêm cấm tại khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Theo đó, điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị Luật nghiêm cấm.
Do đó tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định cụ thể các mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô, mô tô, xe gắn máy (xe đạp máy, xe đạp điện), xe thô sơ, máy kéo, xe máy chuyên dụng.
Thực hiện: Nguyễn Tú