banner
Thứ 2, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Đại đoàn kết dân tộc - Di sản quý báu của Bác Hồ
21-9-2024
          Đại đoàn kết dân tộc là một trong những nội dung quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong Hồ Chí Minh toàn tập, Bác đã nhấn mạnh vấn đề đoàn kết trong 839 bài viết và sử dụng từ "đoàn kết" 1.809 lần. Tư tưởng này không chỉ là lý luận mà còn là mục tiêu cụ thể của cách mạng. Bác đã khẳng định: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam là Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”.
           Bác đã đặt nền tảng cho Mặt trận dân tộc thống nhất, quy tụ mọi tầng lớp nhân dân, tạo thành một khối vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bác nhấn mạnh sức mạnh vô địch của nhân dân và vai trò của mặt trận trong sự nghiệp cách mạng.
         Đảng ta xác định đại đoàn kết toàn dân là động lực phát triển đất nước. Việc liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là rất quan trọng. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới hoạt động để tăng cường đoàn kết, bảo vệ quyền lợi của nhân dân và tham gia xây dựng Đảng.
           Khi Bác vĩnh biệt thế giới này vẫn đau đáu một nỗi niềm “…mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”.  Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định phương hướng, nhiệm vụ: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Yếu tố quan trong bậc nhất tạo nên năng lực nội sinh là đổi mới, tăng cường tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở:
          Một là, phải khơi dậy và phát huy đến mức cao nhất tinh thần tự tôn dân tộc, sức mạnh dân tộc, quyết tâm chấn hưng đất nước, không bỏ lỡ thời cơ vận hội, không chậm chạp trong khi thế giới đang biến động gia tốc. Đặt lợi ích chung của dân tộc, của đất nước và con người lên hàng đầu, lấy đó làm cơ sở để xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
          Hai là, đổi mới tăng cường đại đoàn kết, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, xóa bỏ mọi thành kiến, mặc cảm, hận thù trong quá khứ, tập hợp đoàn kết mọi lực lượng, mọi người Việt Nam ở trong nước và định cư ở nước ngoài vào sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, khuyến khích làm giàu chính đáng theo pháp luật, đẩy mạnh hơn nữa chính sách đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo. Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoạt động giám sát, phản biện chính sách, vai trò tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động và người sử dụng lao động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp phải được quan tâm đổi mới; nâng cao hiệu quả.
         Ba là, đoàn kết quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, sẵn sàng là bạn với tất cả các nước. Đại doàn kết dân tộc là yếu tố nội sinh có ý nghĩa quyết định tạo lực và thế để vươn ra bên ngoài; ngược lại mở cửa hội nhập quốc tế là nhằm cho lực và thế ở trong nước ngày càng tăng.  
          Bốn là, toàn dân chỉ trở thành sức mạnh vô địch khi được giác ngộ về mục tiêu chung và được tổ chức thành một khối vững chắc trong mặt trận thống nhất. Những năm gần đây, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện của mặt trận Tổ quốc vàcác tổ chức đoàn thể nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
         Hoạt động của mặt trận Tổ quốc trong thời gian tới cần hướng mạnh về cơ sở, về địa bàn dân cư, coi trọng củng cố mở rộng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác mặt trận. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, tìm ra những nhân tố mới để tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn chỉnh chủ trương, chính sách về công tác vận động quần chúng.          
        Năm là, đại đoàn kết dân tộc đòi hỏi phải xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, một chế độ do dân làm chủ, một Nhà nước thực sự của dân do dân vì dân, một hệ thống chính trị tiên tiến, có hiệu lực, hiệu quả. Kiên quyết chống tệ nạn tham nhũng, quan liêu, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Có nhiều cơ chế và biện pháp để các tổ chức đảng lắng nghe các ý kiến của nhân dân. Bác Hồ nói: Muốn quy tụ được cả dân tộc, Đảng phải vừa là đạo đức vừa là văn minh bởi Đảng Cộng sản phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại. Cán bộ, đảng viên nêu gương tốt nhân lên sự ủng hộ, tin cậy của nhân dân đối với Đảng - hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc.
Thực hiện: Nguyễn Tú

Số lượt xem:570
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1455900 Tổng số người truy cập: 5079 Số người online:
TNC Phát triển: