Đăk Glei, huyện miền núi thuộc tỉnh Kon Tum, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Giẻ Triêng và Xơ Đăng là hai nhóm dân tộc chính. Một trong những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của người dân nơi đây chính là nhà Rông – biểu tượng của sự đoàn kết và truyền thống của địa phương.
Nhà rông Đăk Wâk ( xã Đăk Kroong) nằm ở trung tâm của làng, dài 12,5m, rộng 8,5m, cao 17m, được thiết kế theo kiểu nhà rông truyền thống, với những hoa văn, họa tiết rất công phu và tỉ mỉ.
Nhà rông là một công trình kiến trúc đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên, với mái nhà cao vút và cấu trúc gỗ đặc biệt. Đây là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa, tổ chức nghi lễ, lễ hội, cũng như các cuộc họp quan trọng của buôn, làng.
Nhà Rông thôn Đăk Xanh ( thị trấn Đăk Glei)
Trong những năm qua, Đăk Glei đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của nhà rông, giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã triển khai chương trình trao tặng 17 bộ cồng chiêng và trống cho 17/45 thôn/làng của đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện cũng tổ chức 04 lớp truyền dạy cồng chiêng và xoang tại các thôn và đầu tư xây dựng 66 nhà Rông.
Chính quyền địa phương đã phối hợp với các tổ chức văn hóa, các già làng, thôn trưởng để khôi phục và tôn tạo những ngôi nhà Rông mang đậm giá trị văn hóa dân tộc. Các công trình có ý nghĩa văn hóa sâu sắc mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương.
Nhà Rông chính là nơi bà con tụ họp, sinh hoạt cộng đồng
Ngoài việc bảo tồn kiến trúc nhà rông, Đăk Glei còn chú trọng đến việc giữ gìn và phát huy các phong tục, lễ hội truyền thống. Những điệu múa cồng chiêng – xoang, các bài hát dân gian, hay các nghi lễ tôn thờ tổ tiên được tổ chức thường xuyên tại nhà Rông giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa của cha ông.
Bà con tập luyện cồng chiêng – xoang tại nhà Rông làng Đăk Gô ( xã Đăk Kroong)
Tuy nhiên, công tác bảo tồn nhà Rông vẫn gặp phải không ít khó khăn. Sự thay đổi trong nhu cầu sinh hoạt và lối sống hiện đại khiến một số cộng đồng không còn duy trì được nhà rông như trước. Hơn nữa, việc thiếu hụt nguồn lực tài chính và nhân lực cũng là yếu tố cản trở quá trình bảo tồn, tôn tạo các công trình này.
Với vai trò là biểu tượng của sự đoàn kết, nhà rông là nơi gắn kết các thế hệ, lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu của đồng bào. Thời gian tới, Đăk Glei tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa liên quan, giữ gìn di sản cho thế hệ mai sau.
Bài, ảnh: Nguyễn Tú