Những năm qua, huyện Đăk Glei đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, nhiều lao động trên địa bàn biết áp dụng kiến thức được đào tạo vào lao động sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Đến với thôn Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, thông qua thôn trưởng chúng tôi được gặp và trao đổi với ông A Phon vừa hoàn thành khóa học hướng dẫn chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò do Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện đào tạo miễn phí. Nhờ quy trình giảng dạy thiết thực, kết hợp lý thuyết với thực hành, bản thân ông và nhiều học viên khác đã tiếp thu được kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc.
Giảng viên Trung tâm hướng dẫn ông A Phon cách tiêm thuốc cho Bò
Ông A Phon - Thôn Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pek chia sẽ,”Khi tham gia lớp học nghề, bản thân rất chủ động tiêm phòng vật nuôi, chăn nuôi đúng kỹ thuật. Sau khi học nghề, bản thân biết áp dụng kỹ thuật, áp dụng chăn nuôi bò, heo. Hiện nay, gia đình tôi chăn nuôi được 9 con bò, sau đó tôi đã dùng kỹ thuật là bò tôi sinh sản, phát triển tốt, năm nay hơn năm trước và kinh tế gia đình rất ổn định và được bán ra, nuôi con cái học hành”
Theo các giảng viên của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Đăk Glei, anh A Hvan ở thôn Đăk Poi, thị trấn Đăk Glei là một học viên của Trung tâm năm 2023, kết thúc lớp nghề anh đã chuyển đổi diện tích đất trồng mì sang trồng cà phê nhưng do không có kinh nghiệm chăm sóc, không biết cách lựa chọn cây giống nên cây phát triển kém, năng suất thấp. Sau 2 tháng tham gia lớp học trồng và chăm sóc cây cà phê, anh đã biết cách bón phân, phòng bệnh, tỉa cành đúng thời điểm cho cây trồng, nhờ vậy, 350 cây cà phê của gia đình phát triển tốt, dự kiến vụ mùa năm 2025 sẽ cho thu bói.

Giảng viên Trung tâm hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây Cà phê
Anh A Hvan – Thôn Đăk Poi, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei vui vẽ cho chúng tôi biết,”Tôi đã trồng được 350 cây nhưng mà chưa biết cách để trồng cây cà phê thế nào để đúng kỹ thuật cho nên tôi phải đăng ký học và lớp đào tạo này biết kỹ thuật trồng cây cà phê thế nào cho đúng để đạt hiệu quả tốt nhất cho kinh tế gia đình để phát triển trong gia đình”
Dạy nghề, trao phương tiện làm ăn là những giải pháp căn cơ được huyện Đăk Glei triển khai nhằm tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm ổn định. Hàng năm, huyện phối hợp với phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp mở các lớp dạy nghề miễn phí cho người dân trên địa bàn. Với phương châm cầm tay chỉ việc các học viên đã được hướng dẫn các kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Từ những kiến thức được học, người dân đã áp dụng vào thực tế, đem lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện đời sống.
Quang cảnh lớp đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây Cà phê, tại thôn Đăk Poi, thị trấn Đăk Glei
Bà Phạm Thị Mây - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đăk Glei cho biết,” Qua triển khai công tác đào tạo nghề cho người lao động thì người học đã được trang bị kiến thức cũng như những khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Đa số là thì tự tạo được việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, để ổn định cuộc sống hơn. Bên cạnh công tác đào tạo nghề, để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn thì thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả khác như là hỗ trợ đối với người lao động về chính sách vay vốn, giải quyết việc làm từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm cũng như là cung cấp những thông tin về thị trường lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh cũng như đi lao động xuất khẩu, đi lao động có hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài. Đến nay, đã tạo điều kiện cho 235 hộ duy trì và mở rộng quy mô việc làm trên địa bàn với số vốn vay là 15,6 tỷ vốn vay giải quyết việc làm”
Năm 2024, huyện Đăk Glei đã tuyển sinh và đào tạo 11 lớp với 356 chỉ tiêu; trong đó, nghề nông nghiệp 9 lớp với 295 chỉ tiêu; nghề phi nông nghiệp 02 lớp với 61 chỉ tiêu. Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là trồng và chăm sóc cây cà phê; trồng cây mắc ca; cây sâm dây; nghề nề hoàn thiện…

Quang cảnh cán bộ kỷ thuật hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc cây Cà phê xứ lạnh, tại xã Mường Hoong
Những năm qua, huyện Đăk Glei nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mang lại hiệu quả tích cực, đến nay người dân dễ dàng tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu cá nhân tại địa phương. Đặc biệt, sau khi học nghề, người dân có cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Tin, ảnh A Lộc