Công tác tái hòa nhập cộng đồng là một phần quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp quản lý, giáo dục nhằm giúp người chấp hành xong án phạt tù trở lại cuộc sống xã hội, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật. Đây là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, hướng đến việc cải tạo và giáo dục người phạm tội để họ trở thành công dân lương thiện, đóng góp tích cực cho xã hội. Trên địa bàn xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, công tác này đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP và Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Chính phủ về việc hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng và tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù, Công an xã Đăk Long đã tích cực tham mưu UBND xã tổ chức gặp gỡ những người trở về địa phương sau khi mãn hạn tù. Qua đó, công an xã Đăk Long nắm bắt tình hình gia đình, quan hệ xã hội, tâm tư, nguyện vọng của từng cá nhân để có những biện pháp quản lý và hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia giúp đỡ, xóa bỏ định kiến và kỳ thị đối với những người này.
Người chấp hành xong án phạt tù tại Đăk Long còn được hỗ trợ về tâm lý, thủ tục pháp lý, xóa án tích, và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Đối với những người dưới 18 tuổi, họ được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm. Những tổ chức và cá nhân tham gia giám sát và hỗ trợ người tái hòa nhập cũng được ưu đãi về thuế, thuê nhà, và cơ sở hạ tầng của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định cuộc sống của những người này, đồng thời góp phần giảm nguy cơ tái phạm.
Anh A.T với công việc sửa chữa xe máy
Một điển hình thành công là anh A.T. (sinh năm 1999, trú tại thôn Pêng Blong, xã Đăk Long). Khi được hỏi về quá trình vượt qua khó khăn sau khi chấp hành án, anh A.T. chia sẻ: "Lúc đầu, tôi rất lo sợ vì không biết sẽ phải bắt đầu lại như thế nào. Nhưng nhờ có gia đình, bà con lối xóm, và sự hỗ trợ nhiệt tình từ Công an xã và chính quyền địa phương, tôi mới có đủ niềm tin để làm lại cuộc đời. Mở tiệm sửa chữa xe máy là điều tôi chưa từng nghĩ tới, nhưng nhờ sự động viên và giúp đỡ của mọi người, tôi đã có thể bắt đầu công việc này và dần ổn định cuộc sống. Anh A.T. cũng bày tỏ mong muốn: “Tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là Công an và chính quyền, để có thể phát triển hơn nữa trong việc làm ăn, góp phần thoát nghèo và ổn định cuộc sống lâu dài.”
Côn an xã Đăk long trao quà đến anh A.T
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 8/2024, xã Đăk Long đã tiếp nhận và quản lý 4 người chấp hành xong án phạt tù. Đến nay, tất cả đều tuân thủ tốt các quy định và không có trường hợp tái phạm. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái hòa nhập, Công an xã Đăk Long thường xuyên tuyên truyền về các gương điển hình, mô hình sáng tạo để người mãn hạn tù có thể học hỏi. Họ cũng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ dạy nghề, vay vốn, và giới thiệu việc làm, giúp những người này tự giải quyết khó khăn và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trung tá Nguyễn Minh Đức, Trưởng Công an xã Đăk Long, cho biết: “Công an xã luôn chủ động lập hồ sơ, nắm rõ tình hình, điều kiện và tâm tư của từng trường hợp chấp hành xong án phạt tù để tư vấn và hỗ trợ họ trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể xã hội để giám sát, giáo dục và giúp đỡ, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho họ ổn định cuộc sống.”
Nhờ sự đồng lòng của chính quyền, các tổ chức xã hội, và toàn thể nhân dân, xã Đăk Long đã có những chuyển biến tích cực từ những cá nhân sau khi hoàn thành án phạt tù. Họ không chỉ vượt qua rào cản tâm lý mà còn khẳng định vai trò của mình như những công dân có trách nhiệm, đóng góp vào sự phát triển chung của huyện nhà.
Trong thời gian tới, Công an xã Đăk Long cùng các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp thiết thực hơn nữa, không chỉ giúp những người từng phạm tội tái hòa nhập cộng đồng mà còn tạo động lực để họ vươn lên, ổn định cuộc sống. Những nỗ lực này không chỉ cải thiện cuộc sống cá nhân mà còn góp phần duy trì an ninh trật tự, xây dựng một xã hội an toàn, công bằng và đầy tính nhân văn.
Ảnh, bài: Văn An – Nguyễn Tú