banner
Thứ 6, ngày 25 tháng 4 năm 2025
Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”
3-4-2025
 
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên lề phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khoá XV, ngày 13-2-2025_Nguồn: dantri.com.vn

 
       Quan điểm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” do Đồng chí GS, TS, Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra đã trở thành kim chỉ nam quan trọng cho công cuộc đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị. Để bảo đảm thực hiện quan điểm chỉ đạo đúng đắn đó, trong thời gian tới, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cần tập trung đổi mới nội dung cụ thể sau: 
       Một là, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, ít tầng cấp, ít đầu mối, không trùng lắp, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Thực hiện rà soát, tổ chức lại đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp, loại bỏ tầng nấc trung gian. Dự kiến tổ chức bộ máy Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026 - 2031) được tinh gọn còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 4 bộ và 1 cơ quan ngang bộ); có 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan thuộc Chính phủ). Đồng thời, giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; dự kiến giảm 450 cục thuộc bộ, thuộc tổng cục và tương đương; 214 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và thuộc tổng cục; 2.668 chi cục thuộc tổng cục, cục thuộc bộ; giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, cơ quan ngang bộ.
       Bên cạnh việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, cần quy định cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, bảo đảm “một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ”, tránh tình trạng lạm quyền hoặc trốn tránh trách nhiệm. Xác định đúng chức năng, nhiệm vụ sẽ là cơ sở, điều kiện để xác định đúng cơ cấu tổ chức, số lượng biên chế, nguồn lực và chi phí hoạt động, từ đó bảo đảm hiệu năng, hiệu quả hoạt động, nguồn lực sẽ được phân bổ tối ưu, chính sách sẽ được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả thực chất hơn.
       Hai là, xây dựng cơ chế vận hành của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị bảo đảm thống nhất, thông suốt, nhanh nhạy, hiệu lực, hiệu quả. Các mối quan hệ ngang, dọc giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, mối quan hệ lãnh đạo, quản lý giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cá nhân người đứng đầu và tập thể, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp,... phải được xác định hợp lý, ăn khớp, đồng bộ, nhịp nhàng. Chú trọng chuyển đổi quy trình nội bộ cũng như mối quan hệ giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong bộ máy trên cơ sở ứng dụng công nghệ số. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số sẽ giúp thay đổi cơ bản cách thức quản lý, giúp cơ quan, tổ chức phản ứng nhanh với tình huống khẩn cấp, tăng cường mối quan hệ tương tác giữa chính quyền với người dân.
        Ba là, tăng cường, đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương theo hướng bảo đảm quản lý thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Phân cấp, phân quyền phải rành mạch, rõ việc, rõ địa chỉ, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm. Phân định nhiệm vụ phải gắn với thẩm quyền và trách nhiệm tương ứng, phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, vùng núi, hải đảo và với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện cần thiết về nguồn lực tài chính - ngân sách, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhưng phải gắn với cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ.
        Bốn là, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, thực tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
        Đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn không đơn thuần là cắt giảm số lượng, mà còn phải chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ, bảo đảm mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc cũng như có đầy đủ phẩm chất đạo đức, tâm huyết, trách nhiệm. Cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cũng như phải thực sự cầu thị, sẵn sàng học hỏi, tiếp thu kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm mới để có thể nâng cao chất lượng, kết quả thực thi nhiệm vụ, công vụ trong môi trường có nhiều thay đổi như hiện nay. 
       Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy đòi hỏi phải xác định biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh, xây dựng cơ chế đánh giá minh bạch, khoa học, dựa trên kết quả công việc cụ thể nhằm khích lệ người làm việc tốt, đồng thời loại bỏ cá nhân không đáp ứng yêu cầu, qua đó nâng cao hiệu suất công việc. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu xây dựng thể chế, chính sách có năng lực chuyên môn cao, có tầm nhìn và khả năng dự báo. Có cơ chế, chính sách hợp lý, đủ mạnh để thu hút, trọng dụng người có tài năng và có phẩm chất đạo đức tốt vào làm việc cho cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị. 
       Năm là, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phải bảo đảm thu hút, mở rộng sự tham gia và vai trò giám sát của người dân; tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết với nhân dân, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân.
        Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị phục vụ cho lợi ích của nhân dân và dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh… Củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(2). Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đặt quyền lợi của người dân vào trung tâm các quyết sách, đường lối của mình với mục đích cuối cùng là người dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp cách mạng. Chính vì vậy, cần thu hút được sự tham gia và giám sát rộng rãi, thực chất, cụ thể của người dân trong hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, thể chế, chiến lược phát triển của đất nước cũng như của cả hệ thống chính trị, bảo đảm tính thực tiễn, tính khả thi, không quan liêu, mang lại lợi ích thiết thực và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và cả hệ thống chính trị.

 
Thực hiện: Nguyễn Tú
Nguồn: Tạp chí cộng sản
 

Số lượt xem:265
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Nguyễn Khắc Trúc, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1630868 Tổng số người truy cập: 13569 Số người online:
TNC Phát triển: