Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số đang mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp, giúp thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao năng suất và kết nối thị trường một cách thông minh, hiệu quả và bền vững.
Để thúc đẩy quá trình này, cần tập trung vào bốn nhóm giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn về đất đai, cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản… cùng với mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp từ mặt đất đến trên không. Việc cung cấp thông tin thời tiết, môi trường, chất lượng đất thông qua nền tảng số sẽ hỗ trợ nông dân tối ưu hóa sản xuất, tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Thứ hai, Nhà nước cần đồng hành cùng nông dân trong quá trình chuyển đổi số. Nông dân vừa là lực lượng nòng cốt, vừa là nhóm cần được hỗ trợ nhiều nhất. Cần khuyến khích sử dụng thiết bị thông minh, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm từ những mô hình chuyển đổi số thành công, tạo động lực và niềm tin cho người dân.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định. Cần phát triển chính phủ điện tử trong quản lý nông nghiệp, đồng thời chú trọng đào tạo cán bộ cấp cơ sở – nhất là cộng tác viên nông nghiệp, nhân viên khuyến nông – để đưa công nghệ đến gần hơn với nông dân. Song song đó, cần đẩy mạnh truyền thông và tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số, hướng dẫn nông dân quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Thứ tư, tạo môi trường học hỏi và kết nối, nơi người dân được tiếp cận công nghệ mới, cùng nhau trao đổi, áp dụng và lan tỏa những kinh nghiệm thực tiễn hiệu quả.
Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa để nâng cao giá trị nông sản, phát triển nông nghiệp bền vững và đưa nông dân vững bước vào kỷ nguyên số.
Thực hiện; Nguyễn Tú