Hiện nay ở Việt Nam cũng có nhiều mô hình quản lý an toàn vệ sinh lao động đã và đang được áp dụng, cụ thể về mặt quản lý nhà nước có một số văn bản pháp luật đề cập đến vấn đề nhận diện mối nguy và đánh giá rủi ro.
Một trong những văn bản mới nhất và được đánh giá tốt đó là luật số 84/2015/QH13, luật An toàn và Vệ sinh lao động ban hành ngày 25/6/2015 và có hiệu lực ngày1/7/2016, luật ATVSLĐ đánh dấu một bước rất mới về các văn bản pháp lý về an toàn và vệ sinh lao động và có nhiều cải tiến so với các văn bản pháp luật khác trước đó. Luật ATVSLĐ quy định về công tác phòng ngừa nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, trong đó tại điều 77 quy định rõ về việc “Đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động”. Bên cạnh đó có nghị định 39/2016/NĐ-CP, nghị định này quy định chi tiết một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc…Tuy nhiên luật và nghị định chưa quy định cụ thể về công việc của riêng ngành nào.
Ngoài ra, các mô hình quản lý ATVSLĐ của ILO – OSH 2001 và OHSAS 18001:2007, ISO 45001:2018 cũng đã được áp dụng phổ biến ở Việt Nam, nhiều công ty cũng đã áp dụng các mô hình quản lý này để hạn chế, cũng như kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị của mình.
Nhìn chung ở Việt Nam có nhiều hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động đang được áp dụng từ các hệ thống quản lý theo quy định của pháp luật đến các hệ thống quản lý theo các mô hình quản lý của nước ngoài. Tuy nhiên vẫn chưa có thống kê nào về việc áp dụng các mô hình quản lý ATVSLĐ tại các doanh nghiệp
Thực hiện: Nguyễn Tú
Nguồn: Khoa học&ATVS lao động