banner
Thứ 7, ngày 10 tháng 5 năm 2025
Huyện Đăk Glei nỗ lực ứng phó hạn hán, đảm bảo sản xuất nông nghiệp
6-5-2025

      Trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và tình trạng khô hạn kéo dài trong mùa khô 2024 – 2025, chính quyền và người dân huyện Đăk Glei đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp và ổn định sinh kế cho người dân.
       Bước vào đầu năm 2025, huyện Đăk Glei đã chính thức bước vào cao điểm mùa khô với nền nhiệt cao và lượng mưa giảm đáng kể. Dự báo từ các cơ quan chuyên môn cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5/2025, lưu lượng dòng chảy trên các sông, suối trong khu vực sẽ tiếp tục giảm, chỉ đạt từ 40% đến 85% so với mức trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước trên diện rộng là rất cao, đặc biệt tại các xã phía Nam của huyện – nơi đang canh tác hàng chục héc-ta lúa cuối vụ Đông Xuân.
        Theo thống kê ban đầu, ít nhất 65 ha lúa cuối vụ đang bị đe dọa do thiếu nước tưới. Tình trạng khô hạn không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng mà còn gây thiệt hại kinh tế lớn cho người nông dân vốn đã gặp khó khăn.
Hạn hán trong lúa mùa vụ tại xã Xốp
 
         Xã Xốp là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại cánh đồng xã, khoảng 7 ha lúa đang trong tình trạng khô cháy do thiếu nước nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống cấp nước bị hư hỏng, đặc biệt là đoạn ống dẫn của công trình thủy lợi Đăk An bị gãy và cong vênh sau cơn bão năm 2022, đến nay vẫn chưa thể sửa chữa do thiếu máy móc chuyên dụng.
         Anh A Guể, người dân thôn Xốp Dùi, lo lắng: "Cái lo lớn nhất của bà con là làm ruộng mà không có nước thì năng suất không có, thu nhập không có. Dù có siêng năng làm, nhưng với cái nắng thế này cây cũng không sống nổi. Đường ống bị gãy từ bão trước, giờ sửa lại cần máy móc mà dân mình không đủ điều kiện."
         Hiện toàn xã Xốp có khoảng 70 ha lúa vụ Đông Xuân được tưới từ 7 công trình thủy lợi nhỏ. Tuy nhiên, trước tình hình hạn hán kéo dài, chính quyền địa phương đã chủ động lên phương án ứng phó. Ngoài việc kiểm tra, bảo trì các hệ thống thủy lợi, xã cũng khuyến cáo người dân không gieo sạ ở những diện tích không đảm bảo nguồn nước hoặc chuyển lịch sản xuất sang vụ mùa bắt đầu từ tháng 6.
          Bà Y Chung – Phó Chủ tịch UBND xã Xốp  chia sẻ: "Ngay từ đầu mùa khô, xã đã thành lập các tổ công tác phối hợp với thôn trưởng, bí thư chi bộ và các tổ chức đoàn thể để kiểm tra toàn bộ hệ thống kênh mương, đập đầu mối và cống dẫn nước. Chúng tôi thường xuyên xuống thôn, làng để nắm bắt thực tế, từ đó tìm hướng tháo gỡ kịp thời."
         Tại xã Đăk Choong, nơi có diện tích cà phê xứ lạnh lớn nhất huyện, tình trạng thiếu nước cũng đang gây lo ngại. Toàn xã hiện có gần 500 ha cà phê, trong đó khoảng 40% diện tích thường xuyên thiếu nước tưới vào mùa khô. Điều đáng chú ý là phần lớn cà phê ở đây được trồng ở các vùng đồi núi có độ dốc lớn, gây khó khăn cho việc dẫn nước. Hơn nữa, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân – chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số – còn nhiều hạn chế.
          Ông Xiêng Var Thiên – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Choong  cho biết: "Địa phương đã rà soát toàn bộ hệ thống kênh mương và tuyên truyền người dân chủ động khơi thông các mạch nước ngầm, suối nhỏ. Những hộ có điều kiện thì khuyến khích đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm và đào ao hồ trữ nước để đảm bảo sản xuất trong mùa hạn."
         Một ví dụ điển hình trong việc thích ứng với hạn hán là hộ gia đình ông A Chêu, thôn Mô Mam, xã Đăk Choong. Với hơn 1 ha cà phê, trước đây thường xuyên gặp khô hạn, ông đã đầu tư hơn 40 triệu đồng để đào hồ trữ nước, lắp máy bơm, hệ thống tưới béc và kéo đường ống gần 4 km từ đầu nguồn về vườn.
         Ông A Chêu nói: "Mùa nắng không có nước, cây không phát triển được. Tôi phải dẫn nước từ suối về tận vườn và lắp hệ thống tưới béc để cây mới xanh tốt. Nếu thiếu nước, mùa này coi như mất trắng."
          Nhờ hệ thống tưới chủ động, vườn cà phê của ông phát triển xanh tốt và hứa hẹn năng suất vượt trội. Dự kiến cuối năm nay, gia đình ông sẽ thu hoạch khoảng 15 tấn cà phê tươi, với thu nhập ước tính trên 100 triệu đồng, một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh hạn hán đang ảnh hưởng đến nhiều khu vực khác.
Bà con nạo vét kênh mương đề phòng hạn hán
 
         Hạn hán không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng mà còn làm chậm tiến độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp, tác động đến đời sống và thu nhập của người dân. Tuy nhiên, từ thực tiễn ở Đăk Glei cho thấy, việc chuyển từ thế bị động sang chủ động, từ đối phó sang thích ứng lâu dài là hướng đi đúng đắn và cần được nhân rộng.
         Trong thời gian tới, cùng với việc nâng cấp các công trình thủy lợi và hỗ trợ thiết bị tưới tiết kiệm, chính quyền huyện Đăk Glei  tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng nước hợp lý và nhân rộng các mô hình chống hạn hiệu quả.
        Với sự chung sức, đồng lòng từ chính quyền đến người dân, hy vọng Đăk Glei sẽ vượt qua khó khăn do thiên tai, bảo vệ an toàn mùa vụ và hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh: Nguyễn Tú
 

Số lượt xem:12
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Nguyễn Khắc Trúc, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1648185 Tổng số người truy cập: 3934 Số người online:
TNC Phát triển: