Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của đất nước, nhân dân và Đảng lên trên hết. Người định nghĩa tinh thần trách nhiệm là việc nắm vững chính sách, làm tròn nhiệm vụ được giao, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt công việc. Người chú trọng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu về mọi mặt, thực hiện trách nhiệm nêu gương và có ý thức giữ gìn uy tín, hình ảnh của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có phương pháp lãnh đạo rất khoa học và thực tiễn, mang tính hiệu quả cao: Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn nắm rõ tình hình thực tế, không chỉ ngồi bàn giấy và ra quyết định. Người chỉ ra những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo, như chương trình công tác quá rộng rãi mà thiếu tính thiết thực. Người nhắc nhở rằng kế hoạch cần phải có hai phần biện pháp và quyết tâm phải ba phần, mới có thể hoàn thành vượt mức. Người rất quan tâm đến việc tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi hoạt động, dù thành công hay thất bại. Bên cạnh đó, Người thường xuyên kiểm tra, kiểm soát từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên để có cái nhìn đúng đắn, khách quan.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có phong cách làm việc sáng tạo. Người luôn đổi mới, sáng tạo, không cứng nhắc, không chấp nhận tư duy lối mòn hay kinh nghiệm chủ quan. Người hướng tới sự mới mẻ và hiệu quả để ngày càng đạt được kết quả tốt hơn.
Tinh thần trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn trong mỗi việc làm cụ thể. Đó là sự tự ý thức về trách nhiệm, sự cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, quyết tâm đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Trong tác phẩm Đường cách mệnh năm 1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt ra yêu cầu về tư cách của một người cách mạng, gồm 23 điểm. Trong đó, Người định hình rõ tiêu chuẩn cụ thể của người cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải cần kiệm, hòa mà không tư, quyết tâm sửa lỗi mình, cẩn thận mà không nhút nhát, hay hỏi, nhẫn nại, chịu khó, hay nghiên cứu, xem xét, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ vững chủ nghĩa, hy sinh, ít lòng ham muốn về vật chất, bí mật. Với từng người thì khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm, có lòng bày vẽ cho người, trực mà không táo bạo, hay xem xét người; khi làm việc phải xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể.
Những phẩm chất và yêu cầu này đã có ảnh hưởng tích cực đối với sự lãnh đạo của Đảng, tỏ rõ uy tín và tấm gương của người cách mạng, có sức cảm hóa, tập hợp và đoàn kết nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền.
Vì vậy, dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu, cán bộ cũng được quần chúng tin cậy, che chở và bảo vệ. Nhờ tấm gương uy tín và đức hy sinh quên mình của Bác, hình ảnh cao đẹp của những người cộng sản đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo thành sức mạnh to lớn, góp phần đưa cách mạng đi đến thành công.
Thực hiện: Nguyễn Tú