banner
Thứ 7, ngày 11 tháng 1 năm 2025
Một số nội dung pháp luật liên quan đến thi đua, khen thưởng
29-2-2024
 I. Một số văn bản quy định về thi đua, khen thưởng
          1. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024;
          2. Nghị định 86/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu", có hiệu lực thi hành từ ngày 30/01/2024.
          3. Nghị định 93/2023/NĐ-CP ngày 25/12/2023 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2024.
          4. Nghị định 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ hướng dẫn Luật Thi đua khen thưởng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
          5. Thông tư 11/2023/TT-BTTTT ngày 30/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Thông tin và Truyền thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
          6. Thông tư 15/2023/TT-BNV ngày 15/10/2023 của Bộ trưởng Bộ nội vụ hướng dẫn Luật Thi đua khen thưởng đối với ngành Nội vụ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
          7. Thông tư 31/2023/TT-BGTVT ngày 08/11/2024 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng ngành Giao thông Vận tải.có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
          8. Thông tư 22/2023/TT-BCT ngày 14/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Công thương hướng dẫn Luật Thi đua khen thưởng trong ngành Công Thương.có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
          9. Thông tư 14/2023/TT-BVHTTDL ngày 14/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về công tác thi đua, khen thưởng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
          10. Thông tư 18/2023/TT-BTNMT ngày 15/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Luật Thi đua khen thưởng đối với ngành tài nguyên và môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
          11. Thông tư 10/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Luật Thi đua khen thưởng trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
          12. Thông tư 22/2023/TT-BKHCN ngày 29/11/2023 của Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ hướng dẫn Luật Thi đua khen thưởng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2024.
          13. Thông tư 118/2023/TT-BQP ngày 22/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và hướng dẫn thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
          14. Thông tư 15/2023/TT-BKHĐT ngày 26/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Kế hoạch và Đầu tư, có hiệu lực thi hành từ ngày 09/02/2024.
          15. Thông tư 25/2023/TT-BYT ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn Luật Thi đua khen thưởng trong ngành y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2024.
          16. Thông tư 79/2023/TT-BTC ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn Luật Thi đua khen thưởng trong lĩnh vực tài chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2024.
          II. Một số nội dung cơ bản của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022
Về bố cục, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật
a. Về bố cục:
Luật gồm 8 Chương, 96 Điều, cụ thể như sau:
         Chương I. Những quy định chung (gồm 15 điều, từ Điều 1 đến Điều 15)
          Chương II. Tổ chức thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua (gồm 17 điều, từ Điều 16 đến Điều 32).
          Chương III. Đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng (gồm 44 điều, từ Điều 33 đến Điều 76).
          Chương IV. Thẩm quyền quyết định, trao tặng; thủ tục, hồ sơ xét đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng (gồm 09 điều, từ Điều 77 đến Điều 85).
          Chương V. Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong thi đua, khen thưởng (gồm 02 điều, Điều 86 và Điều 87).
          Chương VI. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về thi đua, khen thưởng (gồm 05 điều, từ Điều 88 đến Điều 92).
          Chương VII. Xử lý vi phạm (gồm 01 điều, gồm Điều 93).
          Chương VIII. Điều khoản thi hành (gồm 03 điều, từ Điều 94 đến Điều 96).
b. Phạm vi điều chỉnh
          Luật này quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng (Điều 1 Luật thi đua, khen thưởng năm 2022).
c. Đối tượng áp dụng
          Luật này áp dụng đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài (Điều 2 Luật thi đua, khen thưởng năm 2022).
          - Quyền của cá nhân, tập thể, hộ gia đình (Điều 86)
          + Cá nhân, tập thể, hộ gia đình được tham gia các phong trào thi đua, được khen thưởng kèm theo hiện vật khen thưởng và hưởng lợi ích khác theo quy định của pháp luật.
          + Cá nhân, hộ gia đình được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng hiện vật khen thưởng. Tập thể được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày, sử dụng biểu tượng của các hiện vật khen thưởng đó trên các văn bản, tài liệu chính thức của tập thể.
          - Nghĩa vụ của cá nhân, tập thể, hộ gia đình (Điều 87)
          + Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng.
          + Phát huy thành tích đã đạt được, tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm; bảo quản, lưu giữ các hiện vật khen thưởng.
          2. Mục tiêu của thi đua, khen thưởng (Điều 4 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022)
          - Mục tiêu của thi đua là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
          - Mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          3. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng (Điều 5 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022)
- Việc thi đua được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
+ Tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch;
+ Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.
- Việc khen thưởng được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
+ Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời;
          + Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được;
          + Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;
          + Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.
          4. Các loại hình khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng mới nhất (Điều 8 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022)
          - Khen thưởng công trạng là khen thưởng cho cá nhân, tập thể thường xuyên có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          - Khen thưởng đột xuất là khen thưởng kịp thời cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình lập được thành tích xuất sắc đột xuất.
          - Khen thưởng phong trào thi đua là khen thưởng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua do cấp có thẩm quyền phát động, chỉ đạo trong thời gian cụ thể hoặc thi đua theo chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước.
          - Khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia hoạt động lâu dài trong các giai đoạn cách mạng hoặc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, có công lao, thành tích đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
          - Khen thưởng theo niên hạn là khen thưởng cho cá nhân thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có thành tích, có quá trình công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân.
          - Khen thưởng đối ngoại là khen thưởng cho cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài có thành tích đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
         5. Những quy định mới của Luật
         Luật gồm 08 nhóm điểm mới chủ yếu sau đây:
          (1) Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua khen thưởng: (i) Bổ sung quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” (Điều 24), “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” (Điều 28); (ii) Bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ban, ngành tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến” hoặc ủy quyền công nhận danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”cho cá nhân, tập thể thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ban, ngành không có tư cách pháp nhân (khoản 3 Điều 79); (iii) Bổ sung quy định về thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công tham mưu, giúp về thi đua, khen thưởng (khoản 3 và khoản 5 Điều 83); (iv) Bổ sung trách nhiệm Người đứng đầu phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng (khoản 1 Điều 13), Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng (khoản 6 Điều 83), Cơ quan báo chí (khoản 4 Điều 13); (v) Phân cấp cho Bộ, ban, ngành, tỉnh theo hướng Luật quy định tiêu chuẩn chung đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; đồng thời giao Bộ, ban, ngành, tỉnh trên cơ sở quy định chung của Luật, căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề để quy định cụ thể một số nội dung được giao trong Luật, phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề lĩnh vực.
          (2) Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích” trước đây: Bổ sung nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” (điểm c khoản 2 Điều 5) và được thể hiện trong các điều, khoản của từng hình thức khen thưởng được quy định trong Luật về tiêu chuẩn, thành tích đạt được và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là tiêu chuẩn có thể thay thế nếu không có sáng kiến, đề tài, đề án (khoản 2 Điều 23).
          (3) Đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến): (i) Bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua (Điều 7); (ii) Bổ sung trách nhiệm của “Người đứng đầu” cơ quan, tổ chức, đơn vị (khoản 1 Điều 13); (iii) Bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu (Điều 29); (iv) Sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua (Điều 21, 22, 23, 24 và khoản 1 Điều 26); (v) Bổ sung tiêu chuẩn xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ đối với tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức (khoản 2 Điều 25); tập thể dẫn đầu phong 4 trào thi đua chuyên đề ở cấp toàn quốc và cấp bộ, cấp tỉnh khi sơ kết, tổng kết (khoản 2 Điều 26).
          (4) Chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo: (i) Bổ sung nguyên tắc tại điểm d khoản 2 Điều 5; (ii) Bổ sung đối tượng dân quân thường trực, dân quân tự vệ cơ động là đối tượng được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” (khoản 2 Điều 24); (iii) Bổ sung đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44), “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (Điều 73), Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 74) là nông dân, công nhân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ; công tác xã hội, từ thiện nhân đạo; (iv) Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” cho đối tượng là cán bộ nghiên cứu giáo dục (Điều 64); (v) Bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân” cho đối tượng là “hộ sinh” (khoản 1 Điều 65); (vi) Bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” cho đối tượng là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” (khoản 1 Điều 66); (vii) Bổ sung cách tính thời gian (nhân hệ số 2) làm tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước đối với cán bộ y tế, giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (khoản 4 các điều 64 và 65).
          (5) Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân: (i) Quy định cụ thể đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44), “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (Điều 73), Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 74) cho đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; (ii) Bổ sung quy định nguyên tắc xét tôn vinh và trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác (Điều 81); (iii) Bổ sung thẩm quyền trình khen thưởng đối với doanh nghiệp do Chính phủ quy định (khoản 7 Điều 83).
          (6) Quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam: Bổ sung đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh (Điều 35); cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng (Điều 36, 37 và Điều 38), Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44); quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huy chương Hữu nghị (Điều 58).
          (7) Bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (khoản 2 Điều 96).
          (8) Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng: (i) Giảm số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng Nhà nước (khoản 4 Điều 84); (ii) Bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục khen thưởng theo thủ tục đơn giản (khoản 1 Điều 85); (iii) Bổ sung quy định “ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng và trong hệ thống thi đua, khen thưởng” là một nội dung quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng (điểm e khoản 2 Điều 89).
          III. Một số nội dung cơ bản của Nghị định 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ hướng dẫn Luật thi đua khen thưởng.
          Ngày 31/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ hướng dẫn Luật thi đua khen thưởng (sau đây gọi tắt là Nghị định 98/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 thay thế Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng (sau đây gọi tắt là Nghị định 91/2017/NĐ-CP).
          Thứ nhất: Về phạm vi điều chỉnh
          Nghị định số 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết về: Danh hiệu thi đua, đối tượng, tiêu chuẩn hình thức khen thưởng; trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; thẩm quyền quyết định, đề nghị khen thưởng; hồ sơ, thủ tục xét khen thưởng; tổ chức và hoạt động của hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp; quỹ thi đua khen thưởng, xét tôn vinh và trao tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; thủ tục hủy bỏ quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, thủ tục tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước; thu hồi hiện vật khen thưởng và tiền thưởng, mẫu huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, mẫu bằng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, mẫu bằng danh hiệu vinh dự nhà nước và cờ thi đua, mẫu bằng, khung, hộp, cờ của các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; thủ tục cấp đổi, cấp lại hiện vật khen thưởng (Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết về: Nội dung thi đua, tổ chức phong trào thi đua, tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua, hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng, thẩm quyền quyết định khen thưởng)
          Thứ hai: Về nguyên tắc xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
       Nghị định số 98/2023/NĐ-CP quy định nguyên tắc xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng gồm có 07 khoản tại Điều 4 (Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định nguyên tác khen thưởng gồm có 02 khoản tại Điều 3) trong đó bổ sung nội dung tại khoản 4 “Chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho cá nhân, tập thể trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, có vấn đề tham nhũng, tiêu cực được báo chí nêu đang được xác minh làm rõ. Trường hợp cá nhân, tập thể bị kỷ luật, sau khi chấp hành xong thời gian kỷ luật, cá nhân, tập thể lập được thành tích thì thành tích khen thưởng được tính từ thời điểm chấp hành xong thời gian thi hành kỷ luật”.
         Thứ ba: Về đối tượng, tiêu chuẩn hình thức khen thưởng
         Nghị định số 98/2023/NĐ-CP quy định về đối tượng, tiêu chuẩn tặng
          - Cờ thi đua của Chính phủ (Điều 5)
          - Huân chương Sao vàng ( Điều 8)
          - Huân chương Hồ Chí Minh (điều 9)
          - Huân chương độc lập hạng nhất, Nhì, Ba tại Điều 10, 11, 12
          - Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba tại Điều 13, 14, 15
          - Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba tai Điều 16, 17, 18
          - Huân chương Đại đoàn kết dân tộc tai Điều 22
          - Huân chương Hữu nghị tại Điều 23
           Thứ tư: Về nguyên tắc tiền thưởng
           Ngoài 02 nguyên tắc giống như Nghị định số 91/2017/NĐ-CP
          1. Tiền thưởng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình được khen thưởng được tính trên cơ sở mức lương cơ sở do Chính phủ quy định đang có hiệu lực vào thời điểm ban hành quyết định công nhận danh hiệu thi đua, quyết định hình thức khen thưởng.
          2. Tiền thưởng sau khi nhân với hệ số mức lương cơ sở được làm tròn số lên hàng chục nghìn đồng tiền Việt Nam.
          3. Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn thì mức tiền thưởng cao hơn.
          4. Trong cùng một hình thức khen thưởng, cùng một mức khen thưởng, mức tiền thưởng đối với tập thể cao hơn mức tiền thưởng đối với cá nhân.
          5. Trong cùng một thời điểm, một đối tượng đạt nhiều danh hiệu thi đua, có thời gian đạt được các danh hiệu thi đua đó khác nhau thì được nhận tiền thưởng của các danh hiệu thi đua tương ứng.
          6. Trong cùng một thời điểm, một đối tượng đạt nhiều hình thức khen thưởng, có thời gian, thành tích đạt được các hình thức khen thưởng đó khác nhau thì được nhận tiền thưởng của các hình thức khen thưởng tương ứng.
          7. Trong cùng thời điểm, một đối tượng vừa được công nhận danh hiệu thi đua vừa được quyết định hình thức khen thưởng thì được nhận tiền thưởng của danh hiệu thi đua và của hình thức khen thưởng.
          8. Trong trường hợp thực hiện chính sách cải cách tiền lương, Chính phủ sẽ quy định quỹ thi đua khen thưởng và mức tiền thưởng đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng tặng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình.
          Thứ năm: Mức tiền thưởng
          Ngoài nội dung quy định về mức tiền thưởng đối với các danh hiệu thi đua (cá nhân, tập thể), danh hiệu vinh dự nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước huy chương các loại được tính trên cơ sở do Chính phủ quy định giống như Nghị định số 91/2017/NĐ-CP
          Tại Điều 54, 55, 56, 57, 58, 59 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP đã bổ sung kèm theo mức thưởng danh hiệu thi đua, chiến sỹ thi đua toàn quốc và chiến sỹ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh là “khung đựng danh hiệu thi đua, huy hiệu” kèm theo “khung’ đối với chiến sỹ thi đua cơ sở, tập thể lao động xuất sắc, đơn vị quyết thắng, thôn, TDP văn hóa, huân chương các loại…
          Tại Điều 58 (điểm b, khoản 1) quy định Cá nhân được tặng hoặc truy tặng Bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh được tặng Bằng, khung và được thưởng 1,5 lần mức lương cơ sở (Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định 1,0 lần); bổ sung cho mức thưởng cho các hình thức khen thưởng
          c) Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tặng Bằng, khung, Kỷ niệm chương, Hộp đựng Kỷ niệm chương và kèm theo mức tiền thưởng không quá 0,8 lần mức lương cơ sở;
          d) Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương của bộ, ban, ngành, tỉnh, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có tổ chức đảng đoàn hoặc có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ khối các cơ quan trung ương được tặng Bằng, khung, Kỷ niệm chương, Hộp đựng Kỷ niệm chương và kèm theo mức tiền thưởng không quá 0,6 lần mức lương cơ sở;
          đ) Cá nhân được tặng Bằng khen của quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, tổng cục và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ; Bằng khen của Đại học Quốc gia được tặng Bằng, khung và kèm theo mức tiền thưởng 1,0 lần mức lương cơ sở;
          Ngoài ra Nghị định số 98/2023/NĐ-CP còn quy định chi tiết yêu cầu nghi thức việc trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng tại Điều 24, 25, 26, 27; thẩm quyền quyết định, đề nghị khen thưởng, thủ tục xét khen thưởng từ Điều 28-44, công nhận mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tập thể, công khai cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng tại Điều 45, 46; tổ chức và hoạt động của Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp từ Điều 47-49; quỹ thi đua khen thưởng từ Điều 50-52; xét tôn vinh và trao tặng danh hiệu, giải thưởng cho các doanh nhân, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế từ điều 60-73; Thủ tục hủy bỏ quyết định tặng danh hiệu hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, thủ tục tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước; thu hồi hiện vật khen thưởng và tiền thưởng từ Điều 74-76; quy định mẫu huy chương, kỷ niệm chương; mẫu bằng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; mẫu bằng danh hiệu vinh dự Nhà nước và cờ thi đua; mẫu bằng, khung, hộp, cờ của các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; thủ tục cấp đổi, cấp lại hiện vật khen thưởng tư Điều 77-115 và Điều khoản thi hành tại Điều 116-117.


T/h: Y Đông
                         
 


Số lượt xem:2369
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1488464 Tổng số người truy cập: 6080 Số người online:
TNC Phát triển: