Dân vận không chỉ là mục tiêu của cách mạng mà còn là phương thức vận động cách mạng của Đảng. Công tác dân vận thực chất là xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa Đảng và nhân dân, vì nhân dân là nguồn sức mạnh, là lực lượng không thể thay thế để Đảng vượt qua mọi khó khăn, giành chiến thắng và thực hiện sứ mệnh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong bài báo "Dân vận" năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng dân vận là "vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót ai, góp thành sức mạnh toàn dân để thực hiện những công việc mà Chính phủ và các đoàn thể giao phó." Dân vận còn là việc phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, khai thác trí tuệ và tiếng nói của nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của họ để xây dựng các kế hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Bác Hồ đã nhấn mạnh rằng mọi cán bộ, đảng viên, từ Trung ương đến địa phương, đều phải thực hiện công tác dân vận trong từng nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Học tập và làm theo lời dạy của Bác chính là cách mà Đảng ta đã thực hiện tốt công tác dân vận, giúp đất nước vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thắng lợi. Thực tế cho thấy, nơi nào công tác dân vận được thực hiện tốt thì quần chúng nhân dân sẽ tích cực tham gia và đạt được kết quả cao. Ngược lại, nếu xem nhẹ công tác này, cán bộ xa rời quần chúng, thiếu trách nhiệm và không lắng nghe ý kiến của nhân dân, thì sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đảng ta luôn nhắc nhở rằng nước lấy dân làm gốc, và chế độ ta là chế độ của dân, do dân. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải vì dân, phục vụ dân để mang lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân. Đảng đã đề ra phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra," và thực hiện đúng phương châm này chính là cách học tập và làm theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, đồng thời đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Việc thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, đặc biệt là phương pháp "Dân vận khéo," góp phần quan trọng trong việc vận động, tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc – yếu tố quyết định cho các thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc. Trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế, công tác dân vận trở thành nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở.
Tuy nhiên, công tác dân vận tại cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Một số cán bộ chưa gần gũi, chưa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có hiện tượng làm việc quan liêu, xa rời quần chúng, dẫn đến hiệu quả tuyên truyền, vận động chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, cần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kết hợp với công tác dân vận.
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Đăk Choong- huyện Đăk Glei
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác dân vận và nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, huyện Đăk Glei đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục tuyên truyền Luật tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn các xã, thị trấn; vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện Đăk Glei giai đoạn 2021-2025.
Hướng dẫn tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các xã, thị trấn; phối hợp với các ban, ngành chức năng thăm hỏi, động viên tặng quà cho người có uy tín, tiêu biểu nhân dịp lễ, tết; Tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng của cán bộ, Đoàn viên, Hội viên ở cơ sở. Đẩy mạnh hoạt động thu hút tập hợp quần chúng tham gia tổ chức Đoàn, Hội. Thường xuyên nắm chắc tình hình dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Đoàn viên, Hội viên nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng quy định.
Thực hiện: Nguyễn Tú