Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn có chất gây độc biểu hiện bằng triệu chứng dạ dày - ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác tuỳ theo tác nhân gây ngộ độc. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường rất nặng ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, tình trạng ngộ độc có thể dẫn tới bị rối loạn nhịp tim, rối loạn hô hấp, hạ đường huyết, sốt thậm chí là co giật và tử vong. Do đó, gia đình có trẻ nhỏ cần quan tâm, chăm sóc trẻ, chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ở trẻ em. Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thực phẩm, cha mẹ cần phải can thiệp kịp thời để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Triệu chứng nhận biết ngộ độc thực phẩm ở trẻ
Gồm có triệu chứng dạ dày – ruột như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Sau khi ăn hoặc uống thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một vài ngày), trẻ xuất hiện những triệu chứng: buồn nôn và nôn, một số trường hợp nặng, trẻ có thể nôn ra máu. Sau khi nôn hết thực phẩm trẻ đã ăn/uống trước đó, thì trẻ tiếp tục có dấu hiệu nôn khan liên tiếp sau vài giờ, không ăn gì cũng nôn. Kèm theo đó là đau bụng dữ dội và tiêu chảy, phân, nước tiểu có thể có máu. Trẻ có thể bị sốt hoặc không.
Triệu chứng về thần kinh như co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, rối loạn nhịp tim hoặc hôn mê.
Ngoài ra, có thể có triệu chứng về hô hấp như ho, thở nhanh, khó thở, tím tái.
Cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Khi trẻ có những dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, nếu trẻ sốt cao (>=38,50C) cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt như paracetamol 10-15 mg/kg/lần, cách 4-6h/lần trước khi đưa trẻ tới cơ sở y tế.
Hơn nữa, cần bổ sung Oresol cho trẻ để đảm bảo cân bằng nước và điện giải. Khi nôn, tiêu chảy sẽ khiến trẻ bị mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không được bù nước, điện giải bằng Oresol trẻ sẽ dần mệt lả, mất nước trầm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Cần lưu ý, pha Oresol cần pha theo đúng hướng dẫn sử dụng, uống từ từ, từng ít một, không uống quá nhiều cùng 1 lúc. Uống quá nhiều một lúc có thể khiến trẻ nôn và không bù đắp được tình trạng mất nước. Nếu trẻ không chịu uống Oresol không thay thế bằng các loại nước ngọt (coca cola, pepsi,…) vì khi uống những loại nước này vào có thể khiến tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn.
Không tự ý dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy khi nghi ngờ trẻ bị tiêu chảy vì ngộ độc thực phẩm. Trong nhiều trường hợp, uống thuốc cầm tiêu chảy càng khiến vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm lưu lại trong hệ tiêu hóa của trẻ lâu hơn, gây đầy hơi, chướng bụng, khiến tình trạng ngộ độc thêm trầm trọng. Mọi thuốc cầm tiêu chảy phải có chỉ định của bác sĩ.
Khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên cho trẻ ăn các món ăn loãng, mềm như súp, cháo vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa giúp trẻ dễ ăn hơn. Bổ sung các loại rau củ quả trong các bữa ăn của trẻ giúp tăng cường các vitamin và khoáng chất. Tránh các thực phẩm gây khó tiêu và dễ kích thích gây buồn nôn như: đồ chiên rán, thức ăn quá nhiều dầu mỡ. Khi nhận thấy trẻ hồi phục sức khỏe trở lại, cha mẹ có thể cho trẻ ăn cơm và một số đồ ăn khác như thường ngày.
Biện pháp phòng ngộ độc thực phẩm ở trẻ em
Để phòng ngộ độc thực phẩm ở trẻ em cần cho trẻ ăn chín, uống sôi. Rửa kỹ tất cả các loại thực phẩm trước khi ăn, trước khi chế biến. Bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là bảo quản thức ăn và các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh nếu chưa cần dùng đến. Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn. Không sử dụng lại thức ăn cũ có dấu hiệu bị hỏng. Kiểm tra kỹ hạn sử dụng của các thực phẩm đóng gói sẵn trước khi sử dụng. Tuyệt đối không cho trẻ ăn thức ăn chưa nấu chín (như tiết canh, gỏi,...).
Đặc biệt, dạy cho trẻ thói quen không tự ý ăn hay uống những thực phẩm lạ. Rửa tay với nước sạch và xà phòng trước khi ăn. Không để trẻ ăn uống mà không có sự giám sát của người lớn.
Thực hiện: Nguyễn Tú