Tai nạn thương tích là một trong những mối nguy hiểm lớn đối với trẻ em, và có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó một phần lớn xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn. Môi trường sống xung quanh trẻ có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn như bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật, ngã cầu thang, đặc biệt là tai nạn giao thông.
Tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông xảy ra khi người tham gia giao thông không tuân thủ đúng các quy định về an toàn giao thông. Một số nguyên nhân thường gặp:
-
Người đi bộ không quan sát khi băng qua đường, chạy qua đường bất ngờ, đùa nghịch, đu bám tàu xe, hoặc đá bóng dưới lòng đường.
-
Người đi xe đạp dàn hàng ba, lạng lách, vượt ẩu trước mũi xe máy, ô tô.
-
Người lái xe máy phóng nhanh, lạng lách.
-
Lái xe ô tô uống rượu bia, không kiểm soát tốc độ.
-
Các hành vi nguy hiểm như rải đinh trên đường cao tốc, ném đá lên tàu, tháo ốc vít trên đường ray tàu hỏa cũng rất nguy hiểm.
-
Tai nạn giao thông cũng có thể xảy ra do phương tiện không đảm bảo chất lượng, thiếu các thiết bị an toàn.
Cách phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ em
Để bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn giao thông, cần thực hiện một số biện pháp sau:
-
Đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện.
-
Thực hiện đúng luật an toàn giao thông khi tham gia giao thông, đặc biệt là việc đi bộ qua đường và khi đi xe đạp.
-
Không chạy xe trong khuôn viên trường học – khách tham quan, giáo viên và phụ huynh không nên chạy xe trong khuôn viên trường để tránh nguy hiểm cho trẻ em.
-
Tuân thủ quy định giao thông trước cổng trường – học sinh cần vào trong trường không tụ tập ngoài cổng trường; khi tan học cần quan sát đường, xin đường và ra khỏi cổng trường an toàn.
-
Đi bộ qua cổng trường cần quan sát kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn trước khi sang đường.
-
Không đá bóng dưới lòng đường để tránh gây tai nạn cho mình và người tham gia giao thông.
-
Đi xe đạp không dàn hàng ba, lạng lách hay vượt ẩu trước mũi xe máy, ô tô.
Cách sơ cứu khi trẻ gặp tai nạn giao thông
Khi xảy ra tai nạn giao thông, nếu trẻ gặp phải các tình huống khác nhau, cần xử lý như sau:
-
Đối với người bị thương nhẹ: Trẻ vẫn tỉnh táo, không chảy máu, không có vết thương hở và có thể tự đứng dậy thì cần để trẻ nằm nghỉ ngơi, sau đó đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra.
-
Khi trẻ bị chảy máu: Cầm máu bằng tay, khăn hoặc bông ấn chặt vào vết thương để ngừng chảy máu.
-
Nếu trẻ bị gãy xương: Cần cố định chỗ gãy. Nếu là chi trên, có thể dùng khăn làm máng treo tay; nếu là chi dưới, phải nẹp lại trước khi đưa trẻ đi bệnh viện. Trong quá trình di chuyển, tránh gây xê dịch mạnh.
-
Trẻ bị thương nặng (hôn mê): Tiến hành sơ cứu theo 3 bước:
-
Khai thông đường thở, làm trẻ thở được bằng biện pháp hà hơi, hồi sức.
-
Kiểm tra nhịp tim và thực hiện xoa bóp tim nếu cần thiết.
-
Gọi xe cứu thương ngay để chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Lưu ý quan trọng: Khi di chuyển trẻ bị thương, cần có 2-3 người hỗ trợ, không bế xốc bổng hoặc gập người lại để tránh làm tổn thương thêm. Hãy nhanh chóng đưa trẻ đến nơi an toàn và gọi xe cứu thương kịp thời.
Bằng cách tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông và biết cách sơ cứu kịp thời, chúng ta có thể giúp trẻ em giảm thiểu nguy cơ gặp phải tai nạn giao thông và bảo vệ sức khỏe của các em.
Thực hiện: Nguyễn Tú