Thời gian qua, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng. Các mặt hàng giả mạo, không rõ nguồn gốc đang được tiêu thụ rộng rãi, đặc biệt qua thương mại điện tử.
Để đấu tranh hiệu quả, Chính phủ và các cơ quan cần thực hiện các giải pháp sau:
Tăng cường phối hợp thông tin để nhận diện các vi phạm trong thương mại điện tử và khuyến khích người tiêu dùng chọn hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chương trình chống buôn lậu phù hợp với tình hình thực tế và ứng dụng công nghệ trong quản lý.
Cửa khẩu và hải quan cần nâng cao khả năng phân tích, nắm bắt thông tin và điều tra các đường dây buôn lậu.
Chia sẻ thông tin về thủ đoạn mới để nâng cao kỹ năng phát hiện và đấu tranh, kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật cần thiết.
Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật và nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi và xác minh nguồn gốc hàng hóa.
Ngoài ra, các Hiệp hội doanh nghiệp - ngành hàng Việt Nam cũng đề xuất và kiến nghị một số giải pháp như đối với lực lượng tuyến biên giới (Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an) cần nâng cao hơn nữa vai trò, tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu; Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các địa phương bên cạnh các đợt cao điểm kiểm tra cũng đưa việc kiểm tra các mặt hàng tại điểm bán vào công việc thường xuyên, đột xuất và đồng loạt ở nhiều địa phương kết hợp thông tin về chế tài xử lý nếu buôn bán hàng lậu nhằm tác động và hình thành dần tâm lý tuân thủ...
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành, đặc biệt tổ chức nhiều hơn nữa các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm giữa các đơn vị, tạo sự răn đe đối các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có ý thức chưa cao.
Phát huy vai trò của đơn vị được giao làm đầu mối trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh thành; đặc biệt quan tâm tăng cường tuyên truyền thông tin liên quan đến thuốc giả, thuốc kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Chủ động nắm tình hình, nhận diện hiện tượng, vấn đề nổi cộm, phức tạp, dự báo diễn biến tình hình về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời, cung cấp thông tin về tình hình, kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vụ việc vi phạm nghiêm trọng đối với lĩnh vực ngành hàng cụ thể.
Chú trọng công tác đào tạo tập huấn; thông tin tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trực tiếp thực thi trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, biên giới đất liền, đường biển, đường hàng không và trong nội địa. Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo đài Trung ương, tạp chí, trang điện tử ngành quản lý về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các vụ việc vi phạm có tính chất nổi cộm, phức tạp.
Thực hiện: Nguyễn Tú