Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh Dại, Ủy ban nhân dân huyện vừa ban hành Công văn số 785/UBND-NN ngày 12/4/2024.
Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện giao Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh Dại cho chó, mèo; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh Dại khi bị động vật, đặc biệt là chó, mèo cắn; Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo và áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh Dại. Phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng; Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; đặc biệt là các trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn trên từng địa bàn được tiêm phòng dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Giao Phòng Nông nghiệp&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp: Phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương giám sát bệnh Dại ở động vật và triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại theo quy định;Chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan chủ động, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống bệnh Dại và hoàn thành các mục tiêu tại Kế hoạch 299/KH-UBND ngày 06 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại trên động vật theo quy định.
Phòng Y tế; Trung tâm Y tế: Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp phơi nhiễm, nghi phơi nhiễm vi rút dại để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xử lý ổ dịch kịp thời; Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng vắc xin Dại và huyết thanh kháng Dại cho người; Tăng cường công tác phối hợp liên ngành Y tế và các phòng ban liên quan để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi Dại cắn; Đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng Dại, huyết thanh kháng Dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; tiếp tục duy trì các điểm tiêm, ở những địa phương có địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng…
Phòng văn hoá và Thông tin; Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện: Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho Nhân dân được biết về bệnh dại ở động vật và các biện pháp phòng chống hiệu quả; các quy định của Pháp luật về nuôi, quản lý chó, mèo; trách nhiệm của người chăn nuôi chó, mèo; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên đài phát thanh của huyện và cơ sở về sự nguy hiểm của bệnh dại; để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là tại các địa phương có trường hợp tử vong do dại và có tỷ lệ tiêm phòng trên chó, mèo thấp, đặc biệt tại các vùng sâu,vùng xa và lưu ý không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
Đề nghị Công an huyện: Chỉ đạo Công an các xã, thị trấn chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời điều tra, xử lý nghiêm trường hợp chủ hộ nuôi, quản lý vật nuôi (chó) không thực hiện quy định về nuôi, dẫn tới gây hậu quả nghiêm trọng.
Thực hiện: Nguyễn Tú