Trong những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Đăk Glei đã triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, trong đó có chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, người dân vùng DTTS trên địa bàn huyện đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, tạo động lực thoát nghèo bền vững, nâng cao ý thức tự vươn lên và cải thiện đời sống. Chính sách tín dụng này đã thu hút sự quan tâm của đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tại các xã có điều kiện khó khăn.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Glei
Trong thời gian qua, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, gồm: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; Cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn; Cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; Cho vay giải quyết việc làm; Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.
Nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Mường Hoong đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng sâm Ngọc Linh.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh A Hạ (bên phải), thôn Làng Mới, xã Mường Hoong đã trồng được gần 1ha cà phê xứ lạnh và có nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Với những ưu đãi đặc biệt về lãi suất, thời hạn vay, mức vay cùng thủ tục đơn giản, thuận tiện, mạng lưới hoạt động rộng khắp, NHCSXH đã giúp hộ nghèo, hộ DTTS dễ dàng tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Trong giai đoạn 2020 - 2025, doanh số cho vay đạt 601 tỷ đồng, với 13.780 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 363 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/3/2025 đạt 540 tỷ đồng, với 8.539 khách hàng còn dư nợ. So với năm 2020, dư nợ tăng 231 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS. Kết quả đạt được: Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể, từ 26,88% (năm 2020) xuống còn 8,61% (năm 2024). Điều này chứng tỏ tín dụng chính sách thực sự là “đòn bẩy” giúp đồng bào DTTS cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp đồng bào DTTS có cơ hội làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, quản lý tài chính. Đồng thời, chính sách này còn góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi tại vùng nông thôn, vùng DTTS, giúp đồng bào tự tin hơn, nâng cao vị thế trong xã hội./.
T/h: Y Đông