Việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không chỉ dừng lại ở việc tinh gọn tổ chức, mà quan trọng hơn là nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và quản lý, xây dựng một nền hành chính thực sự phục vụ nhân dân. Tinh gọn tổ chức bộ máy không đơn thuần là giảm số lượng cơ quan, mà còn phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, loại bỏ cán bộ yếu kém về năng lực, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ: “Không để cơ quan nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn” cho cán bộ yếu kém”. Tinh giản biên chế không thể thực hiện theo hướng cắt giảm cơ học, mà cần gắn liền với việc kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại nhân sự theo hướng chọn lọc.
Mục tiêu là loại bỏ vị trí không cần thiết, tinh giản công việc kém hiệu quả, đồng thời tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực then chốt. Nếu không thực hiện triệt để, bộ máy hành chính vẫn sẽ cồng kềnh, lãng phí ngân sách và hoạt động kém hiệu quả. Do đó, việc loại bỏ cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm không chỉ là một phần của công cuộc tinh giản biên chế, mà còn là yêu cầu cấp bách để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Chính phủ đã ban hành chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi hoặc chuyển đổi công việc, giúp tinh giản biên chế theo hướng chọn lọc. Đề xuất bỏ “biên chế suốt đời” cũng được xem là một bước đột phá trong cải cách hành chính, nhằm khuyến khích cán bộ, công chức làm việc dựa trên năng lực thực tế, thay vì duy trì tâm lý ỷ lại vào hệ thống. Đây là bước đi quan trọng để tạo động lực làm việc hiệu quả hơn và loại bỏ cán bộ không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Thực tiễn cho thấy, các địa phương thực hiện tinh giản biên chế theo hướng giữ lại người có năng lực đã cải thiện đáng kể hiệu suất làm việc và hiệu quả quản lý. Việc giảm bớt đơn vị, cấp hành chính không cần thiết giúp bộ máy vận hành nhanh hơn, linh hoạt hơn và giảm tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, chính sách tinh giản biên chế hợp lý, mà còn tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công.
Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không chỉ nhằm cắt giảm nhân sự, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm sự vận hành hiệu quả của bộ máy, phục vụ tốt hơn cho nhân dân và doanh nghiệp.
Điều này có thể được thực hiện thông qua đào tạo chuyên sâu, cải cách chế độ tuyển dụng, đánh giá cán bộ dựa trên năng lực, thay vì chỉ dựa trên thâm niên. Thước đo của năng lực cán bộ là phải tạo ra sản phẩm cụ thể.
Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công. Đầu tư vào hạ tầng công nghệ số không chỉ giúp nâng cao năng suất làm việc của bộ máy nhà nước, mà còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường niềm tin của người dân vào nền hành chính công.
Việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và quản lý không chỉ là yêu cầu nội tại, mà còn là điều kiện tất yếu để Việt Nam phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Một bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, số hóa và vận hành hiệu quả sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện: Nguyễn Tú