Hội nghị thực trạng thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người trên địa bàn huyện Đăk Glei
13-7-2022
Sáng ngày 12/7/2022 Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị thực trạng thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người trên địa bàn huyện Đăk Glei. Hội nghị do Đồng chí TS. Nguyễn Minh Khuê – Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp và Đồng chí Y Thanh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì.
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các cơ quan, đơn vị trình bày tham luận như: “Thực trạng thi hành pháp luật phòng chống mua bán người thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng lượng công an trên địa bàn huyện”; “Thực trạng thi hành pháp luật phòng chống mua bán người thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân trên địa bàn huyện”; “Thực trạng công tác hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân mua bán người trên địa bàn huyện”.
Qua thống kê, theo dõi, quản lý trong giai đoạn 2016 đến nay, tình hình an ninh trật tự về tội phạm mua bán người trên địa bàn huyện chưa phát hiện trường hợp nào là nạn nhân mua bán người.
Hiện nay, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm. Và những nạn nhân bị mua bán trở về vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần sự giúp đỡ. Do đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội trong đấu tranh phòng chống, ngăn chặn tội phạm mua bán người; cũng như công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, tạo điều kiện để họ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản và hòa nhập cộng đồng.
Tại Hội nghị, UBND huyện đã nêu ra các giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới như: Tổ chức truyền thông tại cộng đồng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người ở địa bàn cơ sở; xây dựng tài liệu, Clip tuyên truyền nhằm truyền tải các thông điệp phòng, chống mua bán người. Nghiên cứu sử dụng các trang mạng xã hội phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, lấy nạn nhân làm trung tâm; xây dựng các phóng sự, biên tập và phát hành tài liệu hướng dẫn, tờ rơi về hỗ trợ nạn nhân;
Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động, biện pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Phát huy vai trò của lực lượng Công an các cấp và sự phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thực hiện công tác tuyên truyền đến toàn thể người dân về công tác phòng, chống mua bán người; tham mưu cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người gắn với bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển kinh tế, xã hội;
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm đảm bảo ổn định đời sống của người dân, kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, việc làm và hỗ trợ những người bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19... không để những trường hợp này trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người;
Tổ chức thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản; tiến hành điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp và các đối tượng nổi lên, nhất là số chủ mưu, cầm đầu đường dây phạm tội, số có tiền án, tiền sự về tội danh mua bán người để phòng ngừa theo phương châm “Phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở, chủ động đấu tranh, ngăn chặn”; chú trọng công tác phòng ngừa mua bán người trong nội địa, mua bán người để cưỡng bức lao động;
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là công tác quản lý cư trú; tăng cường công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh người nước ngoài và của công dân Việt Nam, nhất là quản lý cư trú của người nước ngoài trên địa bàn; kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là tại các sơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú (nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn…), nhà hàng, karaoke, khu vui chơi giải trí, địa bàn giáp ranh nơi tội phạm thường lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội hoặc sử dụng để tập kết nạn nhân trước khi bán ra nước ngoài để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người và nạn nhân bị mua bán, cưỡng bức lao động, hoạt động mại dâm;
Tổ chức điều tra, truy tố và xét xử các vụ án mua bán người; xem xét, lựa chọn các vụ án điểm, vụ án lớn, nghiêm trọng hoặc các vụ án mua bán người được dư luận xã hội quan tâm để đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong tình hình hiện nay.
Tin, ảnh: Nguyễn Ly
Số lượt xem:546
line_weight
BÀI VIẾT LIÊN QUAN: