Sáng ngày 21/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và các Phó Thủ tướng Chính phủ; tham dự tại điểm cầu Chính phủ có đại điện lãnh đạo Bộ, ngành; lãnh đạo 63 địa phương tham dự tại các đầu cầu trực tuyến.
Các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Đăk Glei.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu huyện Đăk Glei có đồng chí A Phương Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí A Sô Lai - UVBTV, Phó Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Đỗ Sum - UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; lãnh đạo UBKT huyện ủy; lãnh đạo các cơ quan ban ngành; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, góp ý, hiến kế, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp mang tính "đòn bẩy - điểm tựa" để làm có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả tốt.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ thực tiễn và yêu cầu phát triển đặt ra, Chính phủ đã chủ động phấn đấu và trình Trung ương Đảng, Quốc hội ban hành Kết luận, Nghị quyết để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường... Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 25/NQ-CP xác định 12 chỉ tiêu chủ yếu cho các ngành, lĩnh vực năm 2025; yêu cầu các địa phương phải tăng trưởng bứt phá, từ 8% trở lên.
Báo cáo cũng đã xác định 8 động lực tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương năm 2025 như: Những thành tựu của đất nước, các ngành, lĩnh vực, địa phương sau 40 năm Đổi mới, tạo vị thế, uy tín và động lực cho tăng trưởng cao trong thời gian tới; áp dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm đã được Trung ương, Chính phủ tổng kết, rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, nhất là trong năm 2024; tư duy mới, cách làm mới, thể chế mới, đột phá và các chính sách, giải pháp linh hoạt, đồng bộ, sáng tạo trong triển khai thực hiện; hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả; các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế, không gian, động lực phát triển mới từ các dự án hạ tầng chiến lược, các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng...
Về giải ngân vốn đầu tư công, năm 2024 ước thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 31/01/2025 là 635,6 nghìn tỷ đồng, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; năm 2025, đến ngày 31/01/2025, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết 741,1 nghìn tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung tham luận đề xuất các giải pháp và đề xuất kiến nghị để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến tham luận tại hội nghị hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện; các Bộ, ngành, địa phương cần giao nhiệm vụ thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng cho cấp dưới để thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo, điều hành tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường. Tăng trưởng kinh tế phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế phải hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững, bao trùm, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dân. Các bộ ngành, địa phương phải khai thác hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, bài bản, đồng bộ, vận dụng sáng tạo, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vào cuộc sát sao, xây dựng kế hoạch triển khai, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho cấp dưới để thực hiện. Tập trung đẩy mạnh thực hiện mục tiêu tăng năng suất tổng hợp, năng suất lao động. Tiếp tục hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá" và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Trong đó, tổng số vốn đầu tư công 2025 là 826 nghìn tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát phải phân bổ ngay trong quý I/2025, nếu chưa xong thì kiên quyết thu hồi, điều chuyển cho nơi khác.
Tập trung thực hiện, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia; tập trung triển khai các dự án khai thác không gian phát triển mới.
Thủ tướng yêu cầu phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, thúc đẩy các dự án FDI lớn đi vào hoạt động. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Khẩn trương hướng dẫn, tập trung triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các chính sách thí điểm mới, đột phá về đầu tư, tài chính, đấu thầu, thử nghiệm có kiểm soát; phát huy hiệu quả các quỹ khoa học công nghệ, khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo./.
Tin, ảnh: Minh Đức - Y Đông