Thực hiện Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 03/01/2024 của UBND huyện Đăk Glei về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện năm 2024. Nhằm giúp cho công chức nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, tăng cường hiệu quả công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Từ ngày 29/10 đến ngày 02/11/2024, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei thành lập Đoàn công tác học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Đoàn công tác có đồng chí A Phương – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Đỗ Sum – UV BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, tham gia cùng đoàn công tác có đại diện lãnh đạo, chuyên viên Phòng Lao động – Thương binh và xã hội (cơ quan Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững), diện lãnh đạo một số cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện, lãnh đạo UBND cấp xã, tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, Đoàn công tác đã thăm quan một số dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, phương thức, hiệu quả quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và làm việc với lãnh đạo UBND huyện tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Mô hình trồng, chế biến các sản phẩm từ vỏ quế của các hộ nông dân trên địa bàn huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi
Tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tiếp và làm việc với Đoàn công tác huyện Đăk Glei có đồng chí Nguyễn Quang Mạnh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Phan Xuân Cảnh – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện và các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, đại diện các phòng, ban trên địa bàn huyện Duy Xuyên.
Quang cảnh buổi trao đổi học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam
Tại huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi tiếp và làm việc với Đoàn công tác huyện Đăk Glei có đồng chí Đỗ Đình Phương – HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí đại diện các phòng, ban trên địa bàn huyện Trà Bồng.
Quang cảnh buổi trao đổi học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 tại huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi
Thông qua buổi học tập, giúp cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện và các địa phương có những kiến thức, kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi. Đoàn công tác nhận thấy:
Công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững các cấp thường xuyên được kiện toàn, phát huy hiệu quả hoạt động trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Việc huy động các nguồn lực xã hội đã được các cơ quan, hội, đoàn thể các cấp thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp hộ nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống.
Các đơn vị chủ trì dự án, tiểu dự án đã chủ động, tích cực tham mưu UBND huyện triển khai và tổ chức thực hiện kịp thời. Các cấp chính quyền địa phương đã chủ động, phối hợp tuyên truyền về các nội dung, dự án của Chương trình, qua đó giúp cho người nghèo, cận nghèo tiếp cận đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội.
Mô hình “Giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững" của Mặt trận các cấp tiếp tục phát huy hiệu quả, hộ nghèo được tiếp cận nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau như hỗ trợ xây dựng nhà, hỗ trợ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi phát triển sản xuất,.... Qua đó, giúp đỡ người nghèo có thêm điều kiện khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hoạt động tín dụng chính sách trên phạm vi toàn huyện tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Nguồn vốn cho vay các chương trình được cấp có thẩm quyền giao kịp thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn tiếp tục phát huy, được các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao, được sự đồng tình ủng hộ của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp tiết giảm chi phí xã hội và chi phí giao dịch cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tin, ảnh: Thanh Tùng