Nhớ lại trong những năm học 1991-1992 ngành giáo dục huyện nhà đứng trước những thách thức to lớn như thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên còn nhiều hạn chế, tình trạng học ba ca do thiếu phòng phổ biến, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đội ngũ thầy cô giáo lúc bấy giờ còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của con em trong huyện. Toàn huyện với gần 500 cháu trẻ dưới 5 tuổi học mẫu giáo, từ 6 đến 14 tuổi có gần 4.000 em, số người trong độ tuổi 15 đến 35 trên 5.000 người, số người biết chữ trên 2.000 người.
Quang cảnh buổi học mầm non tại xã Đăk Nhoong – huyện Đăk Glei
Trước những khó khăn đó tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển và xây dựng hệ thống trường lớp, giải quyết tình trạng học ba ca, do thiếu phòng học. Đến năm 2000 ngành giáo dục đã cơ bản xóa phòng học tre lá, toàn huyện huy động được gần 30 cháu nhà trẻ, trên 1.000 cháu mẫu giáo biên chế thành 60 lớp; trọng tâm của năm học này là nâng cao chất lượng dạy toán, làm quen chữ cái, chương trình đổi mới đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở các lớp trọng điểm. Ở bậc tiểu học có hơn 200 lớp với hơn 6.000 học sinh.
Ông Nguyễn Viết Khang – Nguyên giáo viên giai đoạn năm 1978-1980 tâm sự: “ Từ những năm 80-90, một số thầy cô giáo từ đồng bằng lên đây công tác hết sức vất vả, đa số là thầy cô giáo bỏ nhiều, thời đó khủng hoảng giáo dục rất lớn. Về cơ sở vật chất tất cả rất khó khăn, một số người đồng bằng lên dạy đếm trên đầu ngón tay, còn lại một số anh em người địa phương thì những ai biết chữ thì đưa vào dạy, lúc học vận động bà con đến làm lớp bằng thanh tre, nứa, lá, giường của giáo viên cũng bằng tre, bàn học sinh cũng bằng tre, thầy cô được nhân dân nuôi, lương bổng bây giờ không ai nghĩ đến. Hiện nay, giáo dục so với thời gian trước đã hơn rất nhiều lần hệ thống trường lớp đã hiện đại, toàn bộ các xã đều có trường học, hệ giáo dục phổ thông gần như hoàn chỉnh từ mầm non đến THCS đã hoàn thành .”
Đến năm 2014, huyện Đăk Glei có 12 trường Mầm non với hơn 3.000 cháu được biên chế thành hơn 130 lớp. Phòng Giáo dục đã tham mưu UBND huyện, phối hợp với các xã, thị trấn ưu tiên các nguồn lực thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Trẻ mẫu giáo DTTS được chuẩn bị tiếng Việt theo tài liệu Tập nói tiếng Việt. Đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Chất lượng học sinh Mầm non có nhiều chuyển biến vượt bậc. Tổng số trẻ 5 tuổi được đánh giá sự phát triển của trẻ em theo Bộ chuẩn đạt tỷ lệ gần 100%.
Lớp học tại trường Tiểu học Kim Đồng – xã Đăk Pek – huyện Đăk Glei
Năm học 2014-2015, hệ thống trường lớp được đầu tư, số lượng học sinh tăng, ở bậc Tiểu học có gần 300 lớp với gần 5.000 em học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã triển khai có hiệu quả mô hình trường học mới, thực hiện chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học; Chương trình tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục; dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”, giải Toán trên mạng, tiếng Anh trên mạng ...Triển khai các trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh. Những nỗ lực trong công tác chỉ đạo của toàn ngành và sự quyết tâm của các đơn vị đã đưa chất lượng giáo dục bậc tiểu học có nhiều chuyển biến, duy trì và nâng cao. Tổng số học sinh hoàn thành môn Toán đạt tỷ lệ hơn 98%; huy động học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.
Cô Y Xuân – Giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng - xã Đăk Pek - huyện Đăk Glei cho biết:“Để thực hiện giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh tất cả đội ngũ giáo viên quản lý luôn ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học, để thực hiện được mục tiêu đó tất cả cán bộ giáo viên phải tích cực thay đổi phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. Bên cạnh đó chúng tôi luôn quan tâm và tôn trọng đến sự khác biệt của tất cả học sinh nhằm phát huy tốt năng lực của học sinh, để học sinh tự chủ động tiếp thu kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên”.
Đối với Giáo dục phổ thông trong đó có THCS, THPT là cơ sở quan trọng nhất quyết định tương lai, nghề nghiêp, vì bậc học này phần lớn thể hiện năng khiếu, tư duy cung cấp khối lượng kiến thức nền tảng cho học sinh, để có thể học tiếp tục theo học các bậc cao đẳng, đại học và học nghề. Triển khai thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học dựa trên mục đích, nguyên tắc, nội dung điều chỉnh, thời gian thực hiện, hướng dẫn thực hiện các nội dung của Bộ GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện xây dựng phân phối chương trình chi tiết để dùng chung cho tất cả các trường THCS trên địa bàn huyện. Chỉ đạo và tổ chức dạy học 06 buổi/tuần; Các đơn vị trường đã tổ chức dạy tăng tiết, tăng buổi phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém và đã đạt những kết quả: Có 12/12 trường tổ chức dạy học 2 buổi trên ngày, đạt tỷ lệ 100%; huy động trẻ 11-14 tuổi vào lớp 6 đạt trên 98%. Bằng tình yêu nghề, khát khao cống hiến cho sự nghiệp trồng người, ngành GD huyện nhà đã và đang thực hiện dạy chữ, rèn người, với sự tận tâm, trách nhiệm của các thầy, cô giáo cùng với sự nổ lực học tập, rèn luyện của học sinh chất lượng giáo dục của huyện Đăk Glei ngày càng được nâng cao, các thế hệ học sinh say mê rèn luyện, thi đua học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho quê hương, đất nước.
Buổi học môn Tin học của các em học sinh tại trường THCS thị trấn Đăk Glei – huyện Đăk Glei
Cô Nguyễn Thị Ngọc – Giáo viên trường THCS thị trấn Đăk Glei – huyện Đăk Glei:“Để làm được điều này, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc soạn, giảng bài, phải đầu tư rất nhiều thời gian để đưa ra được hệ thống câu hỏi, hệ thống bài tập cũng như là thiết kế bài tập, thiết kế hoạt động học sao cho phù hợp với nội dung bài học và nó phải phù hợp với tất cả mọi đối tượng học sinh. Đồng thời, để đạt được mục tiêu chương trình đưa ra thì giáo viên rất khó khăn và vất vả, dành nhiều thời gian cho một cái bài học của mình”.
Cô Nguyễn Thị Nở - Giáo viên trường THCS thị trấn Đăk Glei – huyện Đăk Glei: “Đối với học sinh ở miền núi, trước đây các em rụt rè, nhút nhát nhưng bây giờ các em đã biết hòa nhập trong tiết học, làm cho tiết học sôi nổi hơn bằng các phương pháp đổi mới của thầy, cô giáo. Nhìn chung, học sinh đã bước đầu thích ứng với các phương pháp dạy học mới, phát huy được năng lực và phẩm chất sẵn có của mình qua các phương pháp dạy học của giáo viên theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Về phía giáo viên trong công tác dạy và học luôn phải tìm tòi các phương pháp dạy học mới, các cách đổi mới phương pháp làm sao trong quá trình dạy học, học sinh không có nhàm chán, học sinh thấy được năng lực của mình để phát triển”.
Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, là năm học diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa tuân thủ tuyệt đối các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, vừa chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến và linh hoạt áp dụng các hình thức khác phù hợp với từng trường, từng địa phương để duy trì việc học khi học sinh không thể đến trường; Đồng thời vừa khôi phục, duy trì các hoạt động giáo dục bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022.
Giờ học online của các em học sinh trong thời gian bị dịch COVID-19
Em Lê Huy Hoàng – Học sinh trường Tiểu học Kim Đồng – Xã Đăk Pek – huyện Đăk Glei: “Em cảm thấy học online cũng dễ hiểu, em có thể hỏi cô và tham khảo các ý kiến của bạn bè để đưa ra kết quả cuối cùng, những bài tập khó thì em sẽ giơ tay và hỏi cô qua màn hình, nhưng bên cạnh đó em không được gặp bạn bè chơi đùa với bạn bè.”
Huyện Đăk Glei đã được công nhận phổ cập THCS năm 2009, công nhận phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum công nhận huyện Đăk Glei đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi. Thực hiện tốt công tác duy trì phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS, huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100% và 100% số trẻ hoàn thành chương trình tiểu học, huy động hơn 98% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hàng năm vào lớp 6, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt trên 98%. Đến nay có 14/32 trường học được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
UBND huyện trao tặng bằng công nhận trường mầm non được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT huyện có 32 đơn vị trường học, với trên 500 lớp, gần 14.000 học sinh. toàn ngành giáo dục có hơn 900 CBQL, giáo viên, nhân viên, trong đó CBQL các cơ sở giáo dục gần 80 người, gần 800 giáo viên và hơn 70 nhân viên. Tổng số đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập toàn huyện giảm 04 đơn vị gồm: 04 trường tiểu học, 04 trường THCS, tăng 04 trường tiểu học và trung học cơ sở (TH-THCS). Trong đó, có 02 trường phổ thông dân tộc bán trú được sáp nhập để giảm còn 05 trường PT dân tộc bán trú. Có 04 xã hoàn thành sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện. Đến nay trên địa bàn huyện còn 119 điểm trường lẻ, giảm 13 điểm trường lẻ so với trước khi sáp nhập đội ngũ cán bộ, viên chức toàn ngành cơ bản đáp ứng được yêu cầu về số lượng, trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Đội ngũ cán bộ, viên chức luôn phấn đấu bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; cơ bản đáp ứng được yêu cầu của ngành đề ra. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt tỷ lệ trên 99%.
Lễ công bố quyết định sáp nhập trường ở hai xã Mường Hoong và Ngọc Linh.
Với những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, tập thể và các cá nhân của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Glei đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tặng nhiều Bằng khen.
Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Đăk Glei, Sở GD&ĐT tỉnh năm học này đã được đầu tư gần 16 tỷ đồng để nâng cấp xây dựng mới các phòng học, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị dạy học, sửa chữa các phòng học.
UBND huyện Đăk Glei chú trọng xây dựng mới nhiều phòng học cho các điểm trường
Thầy Lê Hải Lâm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei:“Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND-UBND, Sở GD&ĐT thì ngành giáo dục đào tạo huyện Đăk Glei đã vượt qua những khó khăn thử thách đưa chất lượng giáo dục đào tạo huyện Đăk Glei ngày càng đi lên. Kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam, ngành giáo dục huyện Đăk Glei đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, phong trào đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy học tập cuộc vận động mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo; động viên đội ngũ nhà giáo khắc phục khó khăn, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, ứng xử sư phạm, phẩm chất đạo đức nhà giáo quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm học 2022-2023”.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được cùng với sự quyết tâm khắc phục dần những hạn chế còn tồn tại, thời gian tới ngành GD&ĐT huyện Đăk Glei sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành, gắn với nhu cầu điều kiện cụ thể của địa phương, để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng đổi mới toàn diện .
Thực hiện: A Lộc – Nguyễn Tú