Trước đây, Đăk Glei là huyện nghèo, biên giới của tỉnh Kon Tum, địa hình chủ yếu là đồi núi chia cắt phức tạp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90%, kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không đồng bộ, chưa đi vào chiều sâu. Phần lớn người dân trên địa bàn huyện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế, đời sống, kinh tế hạ tầng còn nhiều khó khăn.
Thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ và mục tiêu thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn và thành thị, nâng cao đời sống người dân ở vùng nông thôn. Giai đoạn 2021-2025, Huyện Đăk Glei tập trung đẩy nhanh việc thực hiện các dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhằm thay đổi đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nông thôn.
Huyện Đăk Glei đổi mới
Trong những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, được sự đồng thuận, đoàn kết nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, từng gia đình và người dân trên địa bàn Huyện Đăk Glei đã có nhiều khởi sắc: Kinh tế xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần nhân dân được nâng lên; cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, nhiều đường giao thông thôn xóm được bê tông hóa, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây mới và cải tạo nâng cấp đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Đường vào các thôn, xã luôn vệ sinh sạch sẽ
Huyện Đăk Glei có 12 xã, thị trấn. Đến nay, có 03 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, các xã còn lại bình quân đạt 8,8 tiêu chí trên xã. Các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao bình quân đạt 9 tiêu chí trên xã. Xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 7,0 tiêu chí/thôn. Đối với thôn (làng) điểm cấp huyện đạt 8/10 tiêu chí nông thôn mới. Cùng với đó là các sản phẩm đặc hữu của địa phương cũng được người dân phát triển và nhân rộng. Hiện tại, toàn huyện có 11 sản phẩm/07 Chủ thể được công nhận sản phẩm 03 sao OCOP cấp tỉnh; Song song đó công tác khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe của nhân dân được quan tâm, các trạm y tế tuyến xã đều có bác sỹ; 100% xã trên toàn huyện đã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế trển khai hiệu quả nâng cao thu nhập, ổn định
Về tăng trưởng kinh tế; Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm theo giá so sánh 2010 ước là 1.210 tỷ đồng, đạt 42,7% so với kế hoạch; Các loại cây trồng chủ lực của huyện tiếp tục được chú trọng phát triển, đến nay, tổng diện tích cây cà phê khoảng 1.827,9 ha đạt 100,5% kế hoạch; cao su khoảng 1.862,7 ha, đạt 99,8% kế hoạch; cây Mắc ca khoảng 364 ha, đạt 81,8% kế hoạch ; cây ăn quả khoảng 402,6 ha, đạt 94% kế hoạch ; Sâm Ngọc Linh khoảng 34,4 ha, đạt 89,6% kế hoạch ; cây dược liệu khác khoảng 389,7 ha, đạt 43,6% kế hoạch; Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 (giá so sánh 2010) ước khoảng 364 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ, đạt 47,3% so với kế hoạch; Ngành năng lượng tái tạo tiếp tục được quan tâm thu hút, hiện trên đia bàn huyện có 01 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch phát triển điện lực; 02 dự án thủy điện được tỉnh cấp chủ trương đầu tư.
Hoạt động tín dụng; 6 tháng đầu năm, tổng huy động vốn toàn địa bàn đạt 537.000 triệu đồng đồng tăng 31.011 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đạt 1.339.130 triệu đồng. Hoạt động đầu tư trên địa bàn huyện cơ bản được duy trì ổn định...
Các sản phẩm Dược liệu địa phương luôn được đẩy mạnh và phát triển
Hoạt động thương mại - dịch vụ khá sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 ước khoảng 104,1 tỷ đồng, đạt 51,7% kế hoạch và tăng 10,6% so với cùng kỳ. Hàng hóa lưu thông trên thị trường đa dạng, phong phú về chủng loại, giá cả hàng hóa ổn định, chất lượng đảm bảo. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được duy trì thực hiện. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường. Đón tiếp 595 lượt khách đến tham quan tại Ngục Đăk Glei; Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện tiếp tục được chú trọng; có 02 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 03 tỷ đồng; thành lập mới 02 hợp tác xã, nâng số HTX toàn huyện lên 16 HTX đạt 114,3% kế hoạch; có 109 THT/1.694 thành viên tham gia/11 xã, thị trấn.
Nhà rông thôn Đăk Wất, xã Đăk Kroong luôn được gìn giữ và bảo tồn
Văn hóa, xã hội cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm, Công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số triển khai tích cực; đầu tư cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo nhanh chóng; công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp được triển khai quyết liệt; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Huyện Đăk Glei có nhiều nhà cửa khang trang, mọc lên san sát
Nhà thi đấu Đa năng huyện Đăk Glei nhìn từ trên cao
Những kết quả đạt được góp phần làm cho bộ mặt nông thôn huyện Đăk Glei khởi sắc. Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 ở mức cao nhất, trong thời gian tới, các cấp, các ngành phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đơn vị mình trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định tại Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 13 tháng 12 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023; Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân huyện về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023; khắc phục có hiệu quả các hạn chế nêu trên, đồng thời, tập trung thực hiện 19 nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư để đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện; Tập trung kêu gọi, thu hút thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng đối với cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Đăk Sút, xã Đăk Kroong; Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng. Tiếp tục lựa chọn các sản phẩm chủ lực để đầu tư, hình thành các sản phẩm đặc trưng của huyện…
Thực hiện: Nguyễn Tú