Căn cứ Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT- TTg ngày 18 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm;
Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm;
Để bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ (2025), Sở Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành
a) Tổ chức quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động của đơn vị thực hiện nghiêm túc hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 18/CT- UBND ngày 27 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
b) Xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác y tế bảo đảm đón Tết Nguyên Đán năm 2025; phân công trực 24/24 giờ đối với Lãnh đạo và viên chức của đơn vị theo quy định. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác đối với các dịch bệnh; tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch; kịp thời xử lý, giải quyết hiệu quả mọi công việc, tình huống phát sinh.
c) Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền.
d) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, các điều kiện cần thiết để hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu y tế hoạt động ổn định.
đ) Phối hợp tốt với Công đoàn cơ sở thực hiện việc chăm lo đời sống vật chất, động viên tinh thần đối với lực lượng trực chống dịch và viên chức y tế công tác tại đơn vị, đặc biệt là nhân viên y tế có hoàn cảnh khó khăn.
e) Chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an triển khai các phương án bảo đảm công tác an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm, phòng chống cháy nổ và vi phạm pháp luật tại các cơ sở y tế.
f) Các đơn vị khẩn trương trở lại làm việc bình thường sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025, thực hiện nghiêm chế độ thông tin thông suốt trong thời gian trước, trong, sau Tết trở lại làm việc ngay sau khi kết thúc thời gian nghỉ
ết, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.
2. Tổ chức tốt công tác giám sát và đáp ứng dịch bệnh
a) Tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng.
b) Tăng cường các biện pháp phòng, chống Sởi, Sốt xuất huyết; các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông Xuân và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi có khả năng xâm nhập vào nước ta; Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại Cửa khẩu Quốc tế Pờ Y và các cửa khẩu phụ để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.
c) Phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết; chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, thực hiện nghiêm công tác báo cáo dịch bệnh theo đúng quy định.
d) Xây dựng phương án chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vắc xin, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn.
đ) Tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian nghỉ Tết. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định về phòng, chống dịch.
e) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật bảo đảm điều kiện cần thiết triển khai đội phản ứng nhanh và các phương tiện, thiết bị, hóa chất, vật tư y tế cần thiết để sẵn sàng hỗ trợ địa phương đáp ứng với các tình huống dịch bệnh.
3. Bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe
a) Xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, thực hiện ứng trực 24/24 giờ; bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế ...; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết. Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.
b) Quán triệt nhân viên y tế thực hiện tốt nội quy, quy định của bệnh viện, nâng cao ý thức phục vụ, văn hóa ứng xử với người bệnh và người nhà người bệnh khi đến khám, điều trị.
c) Tổ chức thăm hỏi, chúc Tết người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách. Vận động, huy động nguồn lực hỗ trợ hợp pháp; triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách động viên cán bộ y tế trong dịp Tết, nhất là cán bộ y tế tham gia trực Tết.
d) Các Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện có giường bệnh có phương án tăng cường năng lực thu dung, điều trị; rà soát cơ sở vật chất, bảo đảm đủ nhân lực, cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.
Thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly, bảo đảm công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tư vấn sức khỏe, đặt lịch khám và khám chữa bệnh từ xa. Duy trì và tổ chức tốt đội cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời đơn vị tuyến dưới khi có dịch bệnh xảy ra.
đ) Đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh phục vụ Nhân dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh, nhất là các thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông Xuân (Sốt xuất huyết, cúm A, Sởi,...). Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; rà soát, hậu kiểm để xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc, không để xảy ra tình trạng găm hàng đẩy giá thuốc lên cao trái quy định.
e) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm về vệ sinh môi trường, chất lượng nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt cho người bệnh; bảo đảm về an toàn thực phẩm trong cung cấp các dịch vụ ăn uống; tuân thủ nghiêm túc các quy định về quản lý chất thải y tế. Tăng cường các biện pháp an ninh, an toàn tại các đơn vị; quán triệt nhân viên y tế không được đốt pháo, thắp hương và tàng trữ, sử dụng các vật liệu gây cháy nổ tại khoa, phòng. Không đánh bài, đánh bạc dưới mọi hình thức.
f) Các đơn vị tiến hành tổng vệ sinh, dọn dẹp, thanh lý đồ hỏng, sắp xếp gọn gàng các trang thiết bị, dụng cụ, vật dụng; sửa chữa và chạy lại các nguồn điện, ổ điện, dây điện hỏng để loại bỏ nguy cơ chập gây cháy nổ. Niêm yết, thông báo số điện thoại để liên hệ ngay khi có sự cố mất an ninh trật tựhoặc cháy nổ để được hỗ trợ kịp thời.
g) Các cơ sở y tế tư nhân có kế hoạch phối hợp với cơ sở y tế công lập trên địa bàn tham gia triển khai công tác y tế bảo đảm đón Tết Nguyên Đán năm 2025; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia phối hợp hoạt động khi có yêu cầu.
h) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện Ngọc Hồi chỉ đạo cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone, điều trị kháng vi rút HIV bằng thuốc ARV, các cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) bố trí cán bộ y tế, bảo đảm đủ thuốc để cung cấp kịp thời, liên tục thuốc cho bệnh nhân trong dịp Tết.
4. Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm
a) Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm địa phương triển khai Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2025. Tăng cường kiểm tra, thanh tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội có yếu tố nguy cơ cao; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, đồng thời biểu dương các tổ chức, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng. Tham mưu Sở Y tế báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động và tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán theo đúng quy định của Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm).
b) Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp; trong đó chú trọng các đối tượng là người tiêu dùng thực phẩm, người nội trợ, người trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng. Tăng cường thực hiện công tác giám sát nguy cơ, phòng ngừa và ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin, cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
c) Thực hiện nghiêm công tác báo cáo, thống kê về an toàn thực phẩm theo đúng quy định.
5. Tổ chức tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe
a) Tổ chức thực hiện truyền thông, phổ biến kiến thức đến các đơn vị, người dân trên địa bàn về phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
b) Tăng cường truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm, không lạm dụng rượu, bia trong dịp Tết và lễ hội.
c) Giao phòng Tổ chức - Hành chính Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu lãnh đạo Sở Y tế cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan báo chí tại địa phương để kịp thời thông tin về công tác y tế trong dịp Tết trên địa bàn (nếu có yêu cầu).
d) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chỉ đạo khoa Truyền thông, giáo dục sức khỏe thực hiện tốt thông tin, tuyên truyền về công tác y tế bảo đảm đón Tết Nguyên Đán và Lễ hội Xuân 2025 bằng các hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong dịp Tết Nguyên Đán; tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và các biện pháp dự phòng, nâng cao sức khỏe để bảo đảm đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm./.
T/h: Y Đông