Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi là sự ảnh hưởng không hề nhỏ đến môi trường, sức khỏe, đời sống của con người. Để chăn nuôi phát triển bền vững thì công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi phải được thực hiện tốt và triệt để.
Hiện nay, với hàng nghìn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi nông hộ vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chăn nuôi của huyện Đăk Glei. Để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất trong chăn nuôi, các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững; đồng thời có nhiều giải pháp trong việc xử lý môi trường chăn nuôi. Nhận thấy tầm quan trọng của chăn nuôi nông hộ đối với phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, nên những năm qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã định hướng để phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững. Theo đó, nhiều giải pháp được tập trung thực hiện, như: Tuyên truyền, phổ biến đến các hộ chăn nuôi tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để phối trộn thức ăn, thực hiện chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, lựa chọn nguồn giống bảo đảm chất lượng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi; xây dựng hầm biogas nhằm bảo vệ môi trường...
Những năm gần đây, các địa phương, hộ chăn nuôi đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường, như: xây dựng quy hoạch chăn nuôi, thực hiện các dự án, đề án, mô hình phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP, sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc xử lý chất thải và xây dựng bể biogas, sử dụng máy tách ép phân... Hiện nay, hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn đã có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, phần nào giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ở chăn nuôi nông hộ và gia trại nhỏ lẻ, vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đang trở thành thách thức đối với địa phương, ngành chuyên môn. Bởi tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc chăn nuôi nông hộ vẫn tồn tại ở một số khu dân cư...
Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi để hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao; góp phần phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững.
Ngoài ra, để phát triển chăn nuôi bền vững, cần đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân và áp dụng những mô hình chăn nuôi mới thân thiện với môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Hướng dẫn người dân thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại chất thải chăn nuôi nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Xây dựng quy hoạch các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi không nằm trong danh mục cho phép, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.
Tin, ảnh: Minh Đức - Y Đông