Huyện Đăk Glei, không chỉ nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú của các dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây, huyện đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, từ đó gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo và nâng cao đời sống cộng đồng.
Đăk Glei sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, bao gồm các phong tục tập quán, lễ hội, và các nghề thủ công truyền thống. Để bảo tồn các giá trị văn hóa này, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó nổi bật là việc khôi phục lễ hội truyền thống, mở các lớp truyền dạy và bảo vệ di sản vật thể.
Lễ bàn giao cồng chiêng tại thôn Măng Rao – xã Đăk pék
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã triển khai chương trình trao tặng 17 bộ cồng chiêng và trống cho 17/45 thôn/làng của đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện cũng tổ chức 04 lớp truyền dạy cồng chiêng và xoang tại các thôn, giúp người dân tiếp cận và gìn giữ nghệ thuật truyền thống. Di sản văn hóa cồng chiêng đã được đưa vào giảng dạy tại các trường học, lồng ghép vào các môn học phù hợp với đặc trưng văn hóa địa phương. Điều này không chỉ nâng cao ý thức bảo tồn di sản trong học sinh mà còn hình thành trách nhiệm đối với cội nguồn dân tộc.

Lớp đào tạo nghề dệt thủ công đang được quan tâm
Ngoài ra, huyện đã đầu tư xây dựng 66 nhà rông, 40 hội trường, 74 sân bóng chuyền và 49 sân bóng đá tại các thôn, làng, đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của nhân dân. Hiện tại, 82/93 thôn, làng đã đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa, trong đó 18 thôn, làng duy trì danh hiệu này liên tục trong 5 năm.

Nhà Rông thôn Đăk Wâk – xã Đăk Kroong luôn được bảo tồn và phát huy
Để phát huy giá trị di sản văn hóa, huyện Đăk Glei đã tổ chức nhiều chương trình và sự kiện văn hóa. Các ngày hội văn hóa dân tộc thiểu số, liên hoan cồng chiêng - xoang diễn ra định kỳ, tạo điều kiện cho người dân thể hiện bản sắc văn hóa, giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, các sản phẩm thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm cũng được quảng bá rộng rãi, góp phần tăng thu nhập cho người dân và khẳng định thương hiệu văn hóa địa phương.
Quang cảnh liên hoan cồng chiêng - Xoang học sinh dân tộc thiểu số lần thứ 3 năm 2023
Huyện Đăk Glei không ngừng nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa, và con người mới; tăng cường quản lý nhà nước đối với các dịch vụ văn hóa, thông tin, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các dân tộc thiểu số”, theo kế hoạch số 2865/KH-UBND, ngày 29/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020 - 2030” và tiếp tục thực hiện bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lồng ghép các nguồn vốn và huy động sự đóng góp của nhân dân để bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các dân tộc thiểu số tại địa phương giai đoạn 2025 - 2030.
Những nỗ lực này không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa đặc sắc của Đăk Glei mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững văn hóa kinh tế xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: Nguyễn Tú