Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Năm nay, không khí Tết đã tràn ngập khắp các chợ truyền thống, nơi mà hàng hóa phong phú, đa dạng về mẫu mã và chủng loại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng với mức giá hợp lý. Đặc biệt, các mặt hàng đặc sản địa phương đang thu hút sự chú ý của người dân, trở thành lựa chọn ưu tiên trong dịp Tết.
Người dân nhộn nhịp mua sắm
Tại chợ Đăk Pék, xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei, không khí mua sắm đã bắt đầu nhộn nhịp từ những đầu tháng Giêng. Các gian hàng bày bán đủ loại mặt hàng thiết yếu và đặc sản địa phương, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Những món đặc sản truyền thống của vùng núi như măng khô, thịt heo gác bếp, mứt sâm dây, cùng các món đặc trưng khác đang thu hút đông đảo khách hàng.
Chị Y Lý Huyền, một người bán hàng lâu năm về các mặt hàng đặc sản, chia sẻ: “Măng khô và thịt heo gác bếp luôn được khách hàng yêu thích mỗi dịp Tết. Năm nay, chúng tôi cũng chuẩn bị đủ lượng hàng để phục vụ khách, với mức giá như Măng khô từ 200-250k/kg, thịt heo gác bếp từ 500-600k/kg”.
Thịt heo gác bếp và các món ăn đặc trứng địa phương của huyện Đăk Glei
Ngoài các đặc sản, các mặt hàng truyền thống như các loại hạt, bánh tráng, củ kiệu… cũng rất được ưa chuộng trong dịp Tết. Những món ăn giản dị này là phần không thể thiếu trong mâm cỗ Tết giúp gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Theo nhiều người tiêu dùng, Tết sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi những món ăn dân dã, mang lại sự ấm áp và sum vầy trong những ngày Tết.
Chị Y Đông, một người dân địa phương, cho biết: “Tết năm nào gia đình tôi cũng mua măng khô, thịt heo gác bếp để đãi khách và làm quà biếu. Những món này không chỉ ngon mà còn thể hiện được lòng hiếu khách và tình cảm của người dân trong dịp Tết.”
Quang cảnh chợ thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei thưa thớt người dân mua sắm.
Tuy nhiên, trong khi các mặt hàng đặc sản địa phương đang được khách hàng ưa chuộng, thì tại các gian hàng bánh kẹo và áo quần, không khí lại có phần trầm lắng. Mặc dù các tiểu thương trưng bày hàng hóa ngăn nắp, đa dạng mẫu mã, nhưng lượng khách đến mua sắm ở chợ truyền thống vẫn còn khá thưa thớt. Một số tiểu thương cho biết, dù năm nay hàng hóa không thiếu, chất lượng và mẫu mã cũng đẹp nhưng lượng khách đến chợ vẫn còn khá ít ỏi. “So với năm ngoái, giá cả giữ ổn định, hàng hóa đa dạng và chất lượng tốt nhưng khách đến vẫn không đông như trước,” một tiểu thương chia sẻ.
Theo các tiểu thương, nguyên nhân của tình trạng này có thể do tâm lý của người tiêu dùng. Người dân thường có thói quen chỉ mua sắm vào những ngày cận Tết, khi không khí lễ hội thật sự rõ rệt. Thêm vào đó, kinh tế khó khăn khiến nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu và tiết kiệm hơn trong những ngày đầu năm mới. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức kinh doanh hiện đại như tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, và các kênh bán hàng online đã làm giảm sức hút của các chợ truyền thống. Sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người dân đang dần làm giảm sức mua tại các chợ truyền thống.
Mặc dù vậy, chợ truyền thống vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng nhiều người dân, nhất là vào những ngày cận Tết. Sự đa dạng, phong phú của các mặt hàng Tết, cùng không khí đầm ấm, thân tình, luôn là một phần không thể thiếu trong tâm thức của những người yêu thích không gian chợ quê. Dẫu cho những biến đổi trong thói quen mua sắm là điều không thể tránh khỏi, thì hình ảnh chợ truyền thống vẫn luôn là một phần của những kỷ niệm đẹp trong mỗi mùa Tết đến – Xuân về.
Bài, ảnh: Nguyễn Tú