Cây cà phê xứ lạnh đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện Đăk Glei. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy sự phát triển bền vững, huyện đã quyết tâm mở rộng diện tích trồng và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê.
Một góc cà phê xứ lạnh tại huyện Đăk Glei
Trong năm 2024, Đăk Glei đã trồng mới gần 190ha cây cà phê xứ lạnh, nâng tổng diện tích lên hơn 1.344ha, hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Để đạt được kết quả này, chính quyền huyện đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây trồng hiệu quả, đặc biệt là đối với những diện tích chưa thu hoạch nhưng có tiềm năng phục hồi. Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác tưới tiêu, đặc biệt là trong mùa khô, cũng góp phần giúp cây cà phê sinh trưởng khỏe mạnh.

Bà con tích cực chăm sóc cây cà phê xứ lạnh đem nguồn thu nhập ổn định
Đặc biệt, huyện Đăk Glei còn chú trọng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã xây dựng các sản phẩm OCOP từ cà phê xứ lạnh, giúp tăng trưởng giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ sự đầu tư đồng bộ diện tích cà phê xứ lạnh của huyện ngày càng phát triể, mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ dân.
Với kết quả đạt được trong năm 2024, Đăk Glei phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích cà phê xứ lạnh đạt 1.694ha. Trong đó, khoảng 0,5-2% diện tích sẽ được trồng theo các mô hình nông nghiệp tiên tiến như cà phê sinh thái, cà phê hữu cơ và cà phê tuần hoàn. Đồng thời, huyện tập trung xây dựng chuỗi giá trị cà phê chè gắn liền với phát triển thương hiệu "Cà phê xứ lạnh Kon Tum", với mục tiêu nâng cao giá trị sản lượng, dự kiến đạt trên 80 triệu đồng/ha.
Tin, ảnh: Nguyễn Tú