Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song cuộc đời, sự nghiệp của Người luôn là tấm gương cho các thế hệ noi theo. Người luôn khẳng định đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng và rèn luyện đạo đức cách mạng là nhu cầu tự thân, đồng thời là yêu cầu tất yếu đối với mỗi người. Người không chỉ nêu ra, yêu cầu mỗi người phải rèn luyện đạo đức cách mạng, mà suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức mà “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.
Với quan điểm đạo đức là gốc của người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Người thường xuyên động viên tuổi trẻ tu dưỡng đạo đức, không ngừng học tập vươn lên để xứng đáng là người chủ tương lai của nước nhà. Trong lần nói chuyện với thanh niên tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II ngày 7-5-1958, Người nhấn mạnh: Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài.
Trong Di chúc thiêng liêng của mình, ngay sau phần nói về Đảng, Người đã căn dặn: Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt kỳ vọng vào thanh niên. Năm 1945, khi nước nhà vừa giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu.
Ngay từ tháng 1-1946, trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Là một lãnh tụ vĩ đại, có tầm nhìn xa trông rộng, hơn ai hết, Người thấu hiểu vai trò vô cùng to lớn của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, kiến thiết nước nhà. Muốn thực hiện được vai trò của mình, mỗi thanh niên cần cố gắng thực hiện tốt những điều sau:
1. Đoàn viên, thanh niên sống phải có lý tưởng, có mục tiêu phấn đấu, hoàn thành mục tiêu của bản thân là tiền đề cho việc hoàn thành mục tiêu lớn của đất nước. Đó chính là mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ đó mà Lý Tự Trọng đã từng nói: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác!”.
2. Đoàn viên, thanh niên phải đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và trước hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nguyên tắc: Lợi ích cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài.
3. Đoàn viên, thanh niên phải có đạo đức cách mạng. Đây là yêu cầu “gốc”, “nguồn” đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu. Đây cũng chính là quan điểm xuất phát, một yêu cầu có tính chất tiên quyết đối với cán bộ cách mạng. Không ít lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, người cán bộ cách mạng không phải là người “làm quan cách mạng”, không phải vào Đảng, không phải làm cán bộ là để “thăng quan tiến chức”, không phải như dưới thời thực dân phong kiến “một người làm quan cả họ được nhờ”, không phải làm cán bộ để “đè đầu cưỡi cổ dân chúng như dưới thời thực dân, phong kiến”… Người đoàn viên, thanh niên phải luôn cố gắng hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình được giao, kể cả trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và kể cả khi thời bình, xây dựng đất nước; khi gặp thắng lợi thì không kiêu căng, chủ quan, tự mãn; khi gặp khó khăn, gian khổ, trở ngại thì không hoang mang, dao động.
4. Đoàn viên, thanh niên phải góp phần tổ chức thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân. Muốn thế, phải “chuyên”. Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quyết định của đoàn thể chỉ biến thành hiện thực trong cuộc sống, ngoài yêu cầu về việc đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định đó phải đúng đắn, còn có việc phải tổ chức thực hiện tốt. Không như thế thì đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quyết định của đoàn thể nhân dân chỉ nằm trên giấy.
5. Đoàn viên, thanh niên phải luôn luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, học nữa và học mãi,…đó là những điều mà Hồ Chí Minh đã luôn thực hiện trong cuộc sống của chính bản thân mình và là tấm gương giáo dục, rèn luyện cho mỗi đoàn viên, thanh niên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: “Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên. Trong vui chơi cũng có giáo dục. Cần có những thú vui chơi văn hoá, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng”.
Học tập Người, mỗi đoàn viên, thanh niên chúng ta trong giai đoạn hiện nay cần thấm nhuần khẩu hiệu: Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi rằng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay nhằm xứng đáng hơn nữa với tinh thần thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh: Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên.
Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân... Đạo đức Hồ Chí Minh là tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư... Phong cách Hồ Chí Minh là tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng; là ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn; nói đi đôi với làm; là giản dị, gần gũi quần chúng... Để thực hiện được mong ước của Bác Hồ kính yêu và kỳ vọng, quan tâm, chăm lo của Đảng, nhân dân và toàn xã hội đã dành cho thanh niên, mỗi thanh niên Việt Nam phải luôn không ngừng học tập, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cách mạng, luôn “Dưỡng tâm trong - Rèn trí sáng - Xây hoài bão lớn”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giữ vững các thành quả cách mạng, thực hiện bằng được mục tiêu cao cả: Xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tin: Nguyễn Tú