Năm 1911, khi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từ biệt các học trò thân yêu ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) đến tận góc bể, chân trời tìm đường cứu nước cho một dân tộc đang sống nô lệ lầm than thì tại một chốn quê nghèo (làng An Xá) Quảng Bình – cậu bé Võ Giáp vừa cất tiếng khóc chào đời! Một sự sắp đặt rất ngẫu nhiên nhưng lại vô cùng kỳ diệu của lịch sử sau 34 năm: Hai con người đó lại trở thành đồng chí, thành thầy – trò và cùng đều trở thành hai nhà báo cách mạng vĩ đại của Việt Nam.
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số rất ít những nhà lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Quân đội nhiều năm được sống gần gũi nhất và làm việc trực tiếp với Bác Hồ kính yêu! Ông viết và nói về con người và sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch – Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa lớn của nhân loại bằng phân tích lý luận kết hợp với việc diễn giải những hoạt động thực tiễn hết sức phong phú, đa dạng, chứa chan tình cảm nên có sức lôi cuốn mãnh liệt và truyền cảm hứng kỳ diệu đối với người đọc, người nghe.
Bài báo “Từ nhân dân mà ra” của ông có một đoạn vô cùng cảm động: “Bác mệt rồi bị ốm nặng, cứ sốt liên miên. Lúc đầu không ăn được cơm, chỉ ăn cháo. Sau cháo không ăn được chỉ húp tí nước hồ loãng. Có lúc Bác mê man… Lúc nào Bác tỉnh, Bác nói chuyện. Tôi có cảm giác như Bác muốn dặn lại. Với một giọng bình tĩnh, thong thả, Bác nói: Lần này, điều kiện trong nước và ngoài nước đều rất thuận lợi. Vì vậy Đảng ta nhất định phải lãnh đạo nhân dân giành độc lập, dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”.
Đại tướng viết tác phẩm “Những năm tháng không thể nào quên” với những dòng thành kính hồi tưởng nhớ đến Người, đến “muôn vàn tình thân yêu” mà Người để lại cho chúng ta trước lúc về cõi vĩnh hằng. Ông viết: "Đọc Tuyên ngôn độc lập, lời nói của Bác điềm đạm, đầm ấm, khúc triết rõ ràng. Người ta tìm thấy ngay ở đó những tình cảm sâu sắc, ý chí kiên quyết, tất cả đều tràn đầy sức sống, từng câu từng tiếng đi vào lòng người ở Người mọi vấn đề, mọi chuyện của Đảng, của nước, của dân đều trở thành những rung động sâu xa trong tình cảm. Về tấm lòng của Bác với nước, với dân, ông đánh giá Bác Hồ là người Việt Nam đẹp nhất! Ở Bác, lời nói đi đôi với việc làm. Bác rất mực khiêm tốn, càng bình dị, càng khiêm tốn, Bác càng vĩ đại”!
2. Võ Nguyên Giáp viết bài “Hồ Chủ tịch, nhà chiến lược thiên tài, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang Việt Nam” với một bút pháp lý luận về đường lối cách mạng kết hợp với hoạt động thực tiễn, là tư duy khoa học quyện với tình cảm sâu sắc, được viết ra những dòng chữ mang đậm tính nghệ thuật, làm xúc động lòng người đọc. Bác lo cái lo của mọi người, vui cái vui của mọi người. Bác còn lo trước mọi người và bao giờ cũng muốn mọi người vui trước. Một điều rất đáng nói, ông là người đã sớm nhận ra tinh hoa con người và sự nghiệp cách mạng của Người là tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông chủ biên cuốn: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” (1977) và ba bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản xoay quanh chủ đề tư tưởng Hồ Chí Minh (1996) để làm sáng tỏ tư tưởng vĩ đại của Người.
3. Dân tộc ta, nhân dân Việt Nam chúng ta được biết đến ông: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”!
Những bài báo cách mạng của ông phù hợp nhất với những tiêu chí mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Luôn đồng hành cùng những chặng đường kiên cường của Đảng ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, trong mặt trận tư tưởng, là “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông”.
Cũng như Nhà báo vĩ đại – Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà báo kiệt xuất Võ Nguyên Giáp luôn là tấm gương cho các thế hệ nhà báo Việt Nam tin tưởng và noi theo. Mối quan hệ lịch sử đặc biệt Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp đã làm ông trở thành một Nhà tham mưu tài ba, một phần của thiên tài. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tôn trọng và để ông bộc lộ nhiều nhất tài năng thiên bẩm nhiều mặt: Quân sự, chính trị, khoa học cũng như báo chí. Hai người trở thành đồng chí, thành hai thầy – trò, thành hai Nhà báo vĩ đại và đều được nhân loại tôn vinh và là “hiện thân cho hai thế hệ nối tiếp nhau làm nên lịch sử hào hùng của thế kỷ XX”. (Anh hùng lao động - Giáo sư Sử học Trần Văn Giàu).
Thực hiện: Nguyễn Tú
Theo Báo Quân đội nhân dân