banner
Chủ nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024
Ngăn ngừa và xử lý ngộ độc thực phẩm
8-7-2024

       Ngày 03/5/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 44/CĐ-TTg về việc ngăn ngừa và xử lý ngộ độc thực phẩm.
       Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
       Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố, ngộ độc rượu; thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm theo đúng quy định; chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm men và nấm mốc).
 
       Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm và phân công của Chính phủ. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định.
      Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.
        Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng các bệnh gây ra từ thực phẩm có ý nghĩa thực tế rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội, bảo vệ môi trường sống của các nước đã và đang phát triển. Mục tiêu đầu tiên của vệ sinh an toàn thực phẩm là đảm bảo cho người ăn tránh bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm hoặc có chất độc; thực phẩm phải đảm bảo lành và sạch.
       Nguyên nhân gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm: Thực phẩm nhiễm vi sinh độc hại; Sử dụng các hóa chất không được phép sử dụng trong chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm như: hàn the, màu công nghiệp đặc biệt….; các hóa chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, nhưng lại được dùng quá hàm lượng cho phép như các chất tạo ngọt tổng hợp, chất bảo quản chống mốc, chất chống oxy hóa; dư lượng thuốc trừ sâu, diệt nấm, kim loại nặng trên rau quả vượt quá mức cho phép; chất độc gốc môi trường: kim loại nặng, dioxin; chất độc sinh ra trong quá trình bảo quản không tốt như các loại hạt ngô, đậu tương, lạc, hạt dẻ bị mốc….
       Cần phát hiện sớm ngộ độc thực phẩm
      Thời tiết nắng nóng, thức ăn nhanh dễ bị hỏng và ôi thiu, đặc biệt là thức ăn không có nguồn gốc rõ ràng dễ khiến ngộ độc thực phẩm.
       Chẩn đoán ngộ độc thực phẩm căn cứ trước hết là hoàn cảnh xảy ra liên quan đến ăn, uống. Một số biểu hiện cần nghĩ đến bị ngộ thực phẩm:
        Đau bụng (có thể đau nhẹ đau vừa hay đau dữ dội).
        Nôn mửa; Tiêu chảy; Sốt hoặc sốt cao; Đau đầu, chóng mặt.
      Bệnh cảnh nhiễm độc có thể xảy ra sau năm mười phút đến vài giờ, thậm chí hàng ngày sau bữa ăn. Nếu là bữa ăn nhiều người cùng ăn thì việc có từ 2 người trở lên cùng ăn các thức ăn giống nhau, cùng bị bệnh và có các triệu chứng giống nhau giúp khẳng định chẩn đoán.
      Tìm hiểu chi tiết các thực phẩm mà bệnh nhân đã ăn trong vòng 24 giờ trước, xác định những thực phẩm nghi ngờ chứa mầm bệnh là cần thiết cho quá trình chẩn đoán.
       Đặc biệt quan trọng là nếu có thể, nhất là trong các vụ ngộ độc hàng loạt, cần tìm cách thu thập các mẫu thức ăn, đồ uống mà các bệnh nhân đã dùng để chuyển các phòng xét nghiệm tìm nguyên nhân.
        Liên quan giữa giờ ăn uống và giờ phát bệnh cũng rất quan trọng cho lập luận chẩn đoán, ví dụ như:
        Nhiễm độc do độc tố tụ cầu trong thức ăn thường có biểu hiện sớm sau 1 vài giờ.
        Nhiễm khuẩn thì triệu chứng thường xảy ra muộn hơn sau 6-12 giờ hoặc lâu hơn.
        Nhiễm độc do hóa chất thì lại càng phức tạp hơn, nhưng các triệu chứng xảy ra thường sớm, có thể ngay sau khi ăn 5-10 phút, và bệnh cảnh thường là nặng nề.
       Mười nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm: Chọn thực phẩm tươi sạch; giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm; sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ; chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ; ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chuẩn bị xong; bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn; giữ vệ sinh cá nhân tốt; sử dụng nước sạch trong ăn uống; sử dụng vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ, thích hợp và đạt tiêu chuẩn vệ sinh; thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ.
      Các cơ quan, tổ chứccó trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các cơ quan, công ty, trường học, đơn vị.
      Tăng cường ngăn ngừa và xử lý ngộ độc thực phẩm tại địa phương; lên án mọi hành vi buôn bán, kinh doanh, chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Thực hiện: Y Đông
 

Số lượt xem:48
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1091176 Tổng số người truy cập: 4671 Số người online:
TNC Phát triển: