Từ ngày 25.12.2024, Nghị định 147/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có hiệu lực thi hành, sẽ có những quy định mới ràng buộc đối với người sử dụng mạng xã hội.
Nghị định 147/2024 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 25.12.2024, sẽ thay thế cho Nghị định 72/2013, Nghị định 27/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Theo đó, Nghị định 147/2024 sẽ có những thay đổi ràng buộc đối với người dùng mạng xã hội.
Thứ nhất, theo điểm e khoản 3 Điều 23, điểm b khoản 3 Điều 27, khoản 10 Điều 82 Nghị định 147/2024, trong vòng 90 ngày kể từ ngày 25.12.2024, các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.
Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam thì sẽ xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Thứ hai, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội thì cha mẹ hoặc người giám hộ đăng ký bằng thông tin của mình và phải giám sát, quản lý nội dung mà trẻ em đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội.
Thứ ba, từ 25.12.2024, tài khoản mạng xã hội sẽ bị khóa vĩnh viễn nếu đăng nội dung xâm phạm an ninh quốc gia.
Lưu ý để tránh tài khoản mạng xã hội bị khóa vĩnh viễn
Cụ thể, khi tài khoản của một người dùng mạng xã hội đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia và có yêu cầu của Bộ TT-TT, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức cung cấp mạng xã hội phải khóa vĩnh viễn và không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập vào tài khoản mạng xã hội đó.
Trong đó, hành vi bị xem là sử dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia có thể kể đến như xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, lãnh tụ, anh hùng dân tộc; xuyên tạc chính quyền nhân dân; chia rẽ các dân tộc...
Bên cạnh đó, nếu một tài khoản mạng xã hội thường xuyên đăng tải nội dung vi phạm pháp luật (trong 30 ngày có ít nhất 5 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần cung cấp nội dung vi phạm, bị Bộ TT-TT, Bộ Công an yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ) thì sẽ bị tạm khóa tài khoản từ 7 đến 30 ngày và nếu bị tạm khóa từ 3 lần trở lên thì cũng sẽ bị khóa vĩnh viễn tài khoản.
Ngoài việc bị khóa tài khoản, nếu người dùng mạng xã hội đăng tải các nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc nội dung vi phạm pháp luật thì tùy tính chất, mức độ mà còn bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Như vậy, tài khoản mạng xã hội sẽ bị khóa vĩnh viễn nếu đăng nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc đã bị tạm khóa từ 3 lần trở lên.
Các nội dung đăng tải nào bị cho là vi phạm pháp luật, cơ quan thẩm quyền sẽ căn cứ vào điều 8, điều 16, điều 17 và điều 18 luật An ninh mạng.
Thực hiện: Nguyễn Tú