Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31/12.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 02/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành dự toán ngân sách Nhà nước, nêu rõ thực trạng thu ngân sách về tổng thể đạt tiến độ khá và có tăng trưởng so với cùng kỳ, song vẫn còn một số khoản thu có tiến độ thu đạt thấp, nhất là thu tiền sử dụng đất. Trong đó, còn 19 bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn được giao năm 2024.
Chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận, trốn thuế, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công sai chế độ quy định, thất thoát, lãng phí tại một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Vì thế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã ban hành, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
"Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đã đề ra, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030", công điện của Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định thuế đối với nhà, đất; mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, khai thác các nguồn thu còn dư địa, mở rộng cơ sở thu mới.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các đơn vị cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu, nhất là thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài, triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử…
Thủ tướng nêu mục tiêu phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao, thu ngân sách Nhà nước năm 2025 cao hơn khoảng 5% so với ước thực hiện năm 2024, để đảm bảo nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán, tăng chi tạo nguồn cải cách tiền lương và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh.
Ảnh minh họa.
Một nhiệm vụ khác được Thủ tướng quán triệt là các đơn vị, địa phương cần triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi.
Riêng năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp rà soát, cơ cấu, sắp xếp các nhiệm vụ chi, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024.
Với dự toán chi thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan Trung ương nhưng đến hết 30/6 chưa phân bổ, Thủ tướng yêu cầu cắt giảm; kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
Trong đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công, Thủ tướng nhấn mạnh cần thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo tiết kiệm.
"Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng đúng quy định; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; không để lãng phí thất thoát tài sản công", Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ.
Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31/12.
Trong quá trình thực hiện việc sửa đổi, bãi bỏ cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, các bộ, cơ quan Trung ương có trách nhiệm đảm bảo duy trì hoạt động của cơ quan, đơn vị theo chế độ chung do Nhà nước quy định.
Với những khoản chi ngân sách ở các địa phương, lãnh đạo Chính phủ lưu ý chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong nước, nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.
Thực : Y Đông (Theo Báo Dân trí)