Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội ban hành ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Qua hơn 05 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân và Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc cần thiết phải bổ sung, sửa đổi để phù hợp với yêu cầu, tình hình mới.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang có 30 điều quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó, yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo rất nhiều các loại giấy tờ. Do đó, để thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần thiết phải cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành.
Ngoài ra, hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân của các nước cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức trong nước để nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ thì cần thiết phải bổ sung quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ.
Cùng với đó, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ có thời hạn 05 năm, sau khi hết thời hạn được cấp đổi; một số loại công cụ hỗ trợ cấp giấy xác nhận đăng ký và không có thời hạn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ không có sự thay đổi về nhãn hiệu, ký hiệu, số hiệu; hằng năm cơ quan quản lý, cấp phép đã tiến hành kiểm tra, trong khi đó, việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều chi phí. Bên cạnh đó, giấy phép sử dụng và giấy xác nhận đều là giấy phép cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng.
Đồng thời, một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 chưa phù hợp với thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc như: Quy định tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu trên cơ sở đề án nghiên cứu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là chưa phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; quy định: “Chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với định hướng phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm chất lượng và kỹ thuật an toàn” là chưa phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017. Hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên nghiên cứu, chế tạo ra các loại vật liệu nổ công nghiệp mới nhưng chưa quy định việc đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới và không nằm trong danh mục vật liệu nổ công nghiệp nên công tác quản lý, sử dụng gặp rất nhiều khó khăn; quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không hết phải bán lại cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp chỉ có giá trị cho 01 lượt vận chuyển và chưa có quy định về điều chỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nên gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Từ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nêu trên cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Như vậy, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) không những đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Thực hiện: Nguyễn Tú