banner
Thứ 6, ngày 10 tháng 1 năm 2025
Tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã chấp hành xong hình phạt tù dưới góc độ tâm lý học
18-4-2024

Dưới góc độ tâm lý học, quá trình tái hòa nhập cộng đồng chịu sự chi phối của các yếu tố như: Nhân cách của người đã chấp hành xong hình phạt tù; môi trường trại giam và thời gian họ thi hành án; thái độ của người xung quanh noi họ trở về. Do vậy, để tái hòa nhập thành công đòi hỏi sự nỗ lực của chính người đó và sự giúp đỡ của những người xung quanh, cũng như chính quyền noi họ trở về sinh sống.
Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng
Theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng (Nghị định số 49/2020), thì tái hòa nhập cộng đồng là nhiệm vụ của rất nhiều cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương. Việc tổ chức tái hòa nhập cộng đồng giúp người chấp hành xong hình phạt tù có khả năng thích ứng nhanh hơn với cuộc sống xã hội, rút ngắn thời gian hòa nhập cộng đồng của họ; đồng thời giúp họ có điều kiện tạo lập cuộc sống của bản thân, trở thành người có ích cho xã hội và gia đình. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cũng sẽ góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và ngăn ngừa tình trạng tái phạm.
Tái hòa nhập cộng đồng cho người đã chấp hành xong hình phạt tù được hiểu là một quá trình trang bị kiến thức văn hóa, nhận thức pháp luật, tâm lý, kỹ năng nghề nghiệp được bắt đầu từ khi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù cho đến khi họ đã thật sự trở về với cuộc sống xã hội nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập với gia đình, cộng đồng và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội dưới sự tác động, giúp đỡ tích cực của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cùng với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân người đã phạm tội.
Về vấn đề tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã chấp hành xong hình phạt tù
Thứ nhất, đặc điểm tâm lý của người đã chấp hành xong hình phạt tù.
Người đã chấp hành xong hình phạt tù trước khi được trở về với cộng đồng, xã hội được phân loại thành ba nhóm: Những phạm nhân đã hoàn toàn sửa mình (những phạm nhân đã trở thành người tốt trước khi mãn hạn tù); những phạm nhân được giáo dục lại, nhưng vẫn còn những khuyết tật, thói hư tật xấu nhất định; những phạm nhân không sửa mình trong quá trình chấp hành hình phạt tù, phủ nhận tác động giáo dục của cán bộ quản giáo. Dù ở nhóm nào thì ở họ có một số đặc điểm tâm lý đặc trưng sau:
Về mặt nhận thức: Người đã chấp hành xong hình phạt tù có sự hiểu biết về pháp luật hơn, nhìn nhận được những sai lầm của bản thân đã thực hiện trước đây (trừ nhóm có xu hướng phạm tội bền vững) và mong muốn được mọi người đón nhận, tha thứ. Vì sống trong môi trường bị cách ly trong khoảng thời gian dài nên nhận thức của họ về những vấn đề xã hội hạn chế và cần thời gian để thích nghi.
Về mặt trạng thái: Phần lớn những người đã chấp hành xong hình phạt tù cảm thấy vui mừng vì được trở về với cuộc sống tự do. Nhưng họ cũng có sự lo lắng cho những ngày sắp tới phải sinh sống thế nào khi công việc trước đây không còn, lo bị cộng đồng kỳ thị về những lỗi lầm trước đây của mình. Có người mặc cảm tội lỗi và cũng có người oán, hận, đặc biệt là những người chịu cảnh gia đình tan vỡ, bị người thân ruồng bỏ trong thời gian thi hành án dẫn đến trạng thái chán nản, buông xuôi.
Về mặt hành vi: Người đã chấp hành xong hình phạt tù khi được trở về với cuộc sống tự do thường lựa chọn sống kín đáo, ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh, ít tham gia những hoạt động xã hội tại địa phương và tìm đến những người bạn cùng hoàn cảnh để có sự đồng cảm, chia sẻ, an ủi.
Trong thời gian khó khăn và đầy thử thách này, họ rất cần sự giúp đỡ của xã hội, đặc biệt là của những người thân và đồng nghiệp. Sự xa lánh, thiếu tình người của những người thân; sự từ chối, thiếu thiện chí của cơ quan, đồng nghiệp không muốn nhận họ vào làm việc,... đều ảnh hưởng đến tâm lý của người mãn hạn tù.
Thứ hai, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tái hòa nhập cộng đồng
Nhân cách của người đã chấp hành xong hình phạt tù: Nghị lực, quyết tâm vươn lên của người mãn hạn tù là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Những người có suy nghĩ tích cực, cố gắng vươn lên làm lại dễ hòa nhập và hòa nhập thành công hơn.
Môi trường trại giam: Trại giam là nơi người mãn hạn tù đã sinh sống và cải tạo trong suốt thời gian thi hành án. Sự đối xử của những phạm nhân cùng đội làm việc, cùng buồng giam và cách giáo dục, cải tạo của quản giáo không chỉ có ảnh hưởng to lớn đối với họ khi còn lao động, cải tạo tại đó mà còn ảnh hưởng nhiều đến quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ khi mãn hạn tù. Sự quan tâm, giáo dục đúng cách của cán bộ quản giáo giúp họ nhận ra những sai lầm, nâng cao ý chí phấn đấu để sửa mình trở thành người công dân tốt. Ngược lại, nếu sự quan tâm, giáo dục của quản giáo không phù hợp thì sẽ không khơi dậy nghị lực, ý chí trong họ mà càng làm họ thấy chán nản và buông thả, dẫn đến ngay cả khi được trở về với cộng đồng họ cũng khó tái hòa nhập. Bên cạnh đó, thái độ của những phạm nhân cùng sinh hoạt, lao động cũng ảnh hưởng nhiều đến định hướng tương lai của họ. Có những phạm nhân khi được trở về họ giữ liên lạc với nhau, động viên, an ủi nhau cùng làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, cũng có những người lại bị lôi kéo tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Sự quan tâm của gia đình: Đây là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến quá trình tái hòa nhập xã hội của người đã chấp hành xong hình phạt tù. Trong quá trình chấp hành án trong trại giam, việc được người thân thường xuyên vào thăm, động viên là động lực rất lớn để phạm nhân cải tạo tốt. Đến khi họ mãn hạn tù thì gia đình là môi trường quan trọng nhất mà phần lớn đối tượng được hòa nhập sau khi trở về với cuộc sống cộng đồng. Việc được các thành viên trong gia đình đón nhận, cảm thông và chia sẻ sẽ giúp họ nhanh chóng xóa bỏ mặc cảm của bản thân, cố gắng làm lại cuộc đời.
Sự cảm thông của cộng đồng: Để người mãn hạn tù hòa nhập nhanh chóng thì cộng đồng dân cư nơi họ về sinh sống phải có cái nhìn cởi mở và vị tha hơn với họ. Bởi lẽ, dù họ có quyết tâm, cố gắng nhưng nếu người xung quanh không đón nhận, mà kỳ thị thì tâm lý tích cực trong họ sẽ mất dần, điều này có thể một lần nữa đẩy họ vào con đường sai trái.
Vai trò của các tổ chức, cá nhân: Các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sẽ giúp đỡ người mãn hạn tù rất nhiều trong tìm việc làm, bởi lẽ khi ổn định được kinh tế, có thể nuôi sống bản thân và gia đình sẽ hạn chế nguy cơ tái phạm của họ. Chính vì thế, cần có sự tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân để tạo điều kiện cho họ làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng và bắt đầu cuộc sống mới.

 
                                                     Thực hiện: Nguyễn Tú
Theo kiemsat.vn       
 

Số lượt xem:1526
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1486395 Tổng số người truy cập: 4330 Số người online:
TNC Phát triển: