Bảy mươi tám năm trước, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Văn bản quan trọng này đã được sử sách nói đến nhiều và được đưa vào sách giáo khoa, nên hầu như ai cũng biết. Tuy vậy, cũng vào năm 1945, để xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ trong tình thế éo le như “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chủ tịch còn có nhiều bài viết quan trọng khác nữa.
Trong bảy mươi tám năm qua, đất nước chúng ta cũng như cả hành tinh xanh đã có biết bao thay đổi, đầy những biến động bất ngờ, đến mức nhiều người thốt lên: “Mọi điều đều có thể xảy ra”! Mặc dù thế và cũng có thể nói, chính vì thế mà chúng ta cần nhắc lại những ý tưởng đẹp đẽ, những điều tâm huyết mà vị lãnh tụ anh minh của dân tộc đã gửi gắm vào thời kỳ đầu của cách mạng, như là một chiến binh qua bao trận mạc, trở về tắm gội nơi suối nguồn trong trẻo để trút bỏ bụi bặm đường trường, tiếp thêm sinh lực, xốc lại hành trang để vững bước lên chặng đường mới.
Trong tuyển tập các bài nói và viết cơ bản nhất của Hồ Chủ tịch được xuất bản ngay sau khi Người qua đời (“Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội”-NXB Sự thật, 1970), ngoài Tuyên ngôn Độc lập, còn có 4 bài nữa công bố năm 1945, trong đó thư Hồ Chủ tịch “Gửi các ủy ban nhân dân các Bộ, Tỉnh, Huyện và Làng” viết tháng 10/1945, cho đến nay vẫn đầy ắp tính thời sự, chứng tỏ tầm nhìn xa của Người.
Có lẽ đây là lần đầu tiên, vị lãnh đạo tối cao của dân tộc, dù chính quyền non trẻ vừa thành lập, đã mạnh mẽ và quyết liệt chỉ rõ những vấn đề rất cơ bản về trách nhiệm của người cầm quyền: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì…các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân…”. Tiếp đó, Người nhấn mạnh:
“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.
Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.
Đọc lại những dòng chữ này, nghĩ tới những vụ cán bộ lợi dụng chức quyền hành xử thô bạo với nhân dân đã bị công luận lên án, bị cơ quan kỷ luật mà báo chí đã thông tin những năm gần đây, rồi chuyện 54 bị cáo-kể cả cán bộ cấp cao phải ra tòa mới đây ở vụ các chuyến bay “giải cứu” trong đại dịch Covid-19, chúng ta không khỏi giật mình vì sự suy thoái, biến dạng của một số kẻ “đầy tớ của dân” thời nay và càng khâm phục sự tiên báo của Hồ Chủ tịch về nguy cơ “quyền lực làm tha hóa con người” đang “đe dọa tồn vong của chế độ”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lần nói với cử tri Hà Nội…
Hàng chục vạn người với cờ hoa khoe sắc, băng rôn, khẩu hiệu thể hiện tinh thần của người dân Việt Nam ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
Cũng trong lá thư trên, Hồ Chủ tịch đã sớm chỉ ra những “lầm lỗi rất nặng nề” mà nhiều cán bộ phạm phải. Đó là:
“1.- Trái phép. Những tên Việt gian phản quốc chứng cớ rõ ràng thì phải trị đã đành, không ai tránh được. Nhưng cũng có lúc vì tư thù, tư oán mà bắt bớ và tịch thu gia sản làm dân oán thán.
2.- Cậy thế. Cậy mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao làm vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân, quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.
3.- Hủ hóa. Muốn ăn cho ngon, mặc cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ở đâu mà ra? Thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu?
4.- Tư túng. Kéo bè kéo cánh, bà con, bạn hữu mình không tài năng gì cũng chức này, chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công chứ không phải việc riêng gì của ai.
5.- Chia rẽ. Bênh vực lớp này chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng với nhau, hòa thuận với nhau, thậm chí có đôi nơi ruộng đất bỏ hoang, nông dân ta thán. Quên rằng lúc này ta phải toàn dân đoàn kết. Không chia già, trẻ, giàu, nghèo để giữ nền độc lập, chống kẻ thù chung.
6.- Kiêu ngạo. Tưởng mình ở trong cơ quan của Chính phủ là thần thánh rồi, coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mệnh” lên. Không biết thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”.
Có thể liên hệ những “lầm lỗi” ấy với ba kẻ thù chính của những người cộng sản cầm quyền mà V.I. Lê-nin từng chỉ ra: Thứ nhất, là “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”, thứ hai là “nạn mù chữ”, thứ ba là “nạn hối lộ” (Theo Tạp chí “Cộng sản”, số tháng 7/1992, trang 15). Cũng trong số tạp chí này, tác giả Trần Đình Huỳnh nêu nhận xét: “Bức thư nói trên của Hồ Chí Minh là sự báo hiệu và nguy cơ tha hóa của những người cộng sản khi có chính quyền. ”Có thể nhìn vấn đề một cách rộng hơn. Thực ra, nguy cơ tha hóa của người nắm quyền lực là bi kịch của nhân loại, cũng có thể nói đó là vấn đề muôn thuở, chứ không là “thuộc tính” của thời đại nào. Vấn đề là phải tìm cách ngăn chặn, khắc phục nó. Và như Hồ Chủ tịch đã viết: “…Đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa… nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung.”
Vấn đề thật là sáng rõ. Điều đáng suy nghĩ là vì sao hơn bảy thập kỷ qua, biết bao nhiêu chỉ thị, nghị quyết và những cuộc chỉnh huấn đã được thực hiện mà tình trạng suy thoái… có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn?
Chúng ta hy vọng việc nhắc lại những ý tưởng đẹp đẽ, trong sáng đã xuất hiện tự buổi khởi đầu cách mạng sẽ góp phần thúc đẩy quyết tâm “đổi mới toàn diện” mà Đảng đã ghi vào nghị quyết, hy vọng những người đang “cầm cân nẩy mực” lãnh đạo đất nước cũng như các địa phương, đơn vị nhận rõ trách nhiệm nặng nề của người cầm quyền, đấu tranh không khoan nhượng với 6 “lầm lỗi” mà Hồ Chủ tịch đã thẳng thắn chỉ ra từ 78 năm trước, để dân tộc ta đủ sức vượt qua những trở ngại và cạm bẫy trong thế giới vẫn đầy những biến động phức tạp, khó lường như hiện nay.
Thực hiện: Nguyễn Tú