Hiện đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch, số ca Sốt xuất huyết mắc hàng năm có xu hướng tăng cao nhất từ tháng 5 đến tháng 11 nên công tác chủ động triển khai các biện pháp phòng chống trước mùa dịch rất quan trọng
Ảnh: Cán bộ trạm y tế thị trấn phối hợp với thôn tổ chức diệt lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Phun hóa chất phòng chống dịch Sốt xuất huyết tại các hộ gia đình
Để triển khai sớm các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung triển khai các nội dung trọng tâm như sau: Ngành y tế huyện phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống Sốt xuất huyết nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền. Phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức phát động học sinh thamgia dọn dẹp vệ sinh, loại bỏ ổ chứa lăng quăng khu nhà ở và trường học. Đồng thời tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do Sốt xuất huyết, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Hướng dẫn các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị Sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong. Riêng Ủy ban nhân dân các xã, cần chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống Sốt xuất huyết lần thứ 15 (ngày 15/6/2025) trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của ngành Y tế và tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng thường xuyên trên địa bàn. Thường xuyên thăm hộ gia đình, nhắc nhở hộ gia đình súc rửa dụng cụ chứa nước, thu gom các vật phế thải không cần thiết, cần phải kiểm tra các vật dụng chứa nước, thay nước sạch hàng ngày để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Lưu ý các dụng cụ chứa nước có bọ gậy/lăng quăng tại hộ gia đình là các dụng cụ chứa nước trong nhà như lu, lọ hoa trồng cây cảnh, các dụng cụ chứa nước cho gia súc, gia cầm uống. Huy động các ban, ngành, đoàn thể chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.
T/h: Y Đông