Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân và hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2021-2026 được đặt ra tại Nghị quyết số 161/2021/QH14 ngày 29/4/2021 của Quốc hội về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước là: “Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ”. Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII đặt ra yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, trật tự, kỷ luật, kỷ cương hành chính phải được tiếp tục thực hiện mạnh mẽ với các nội dung cần ưu tiên là:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cơ sở khoa học về đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý vĩ mô và xây dựng chính sách, đặc biệt là xây dựng thể chế hành chính đáp ứng yêu cầu tạo đột phá chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045. Thực hiện nguyên tắc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện; từng bước xóa bỏ cơ chế phối hợp liên ngành, gắn với việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội; đề cao tính chủ động, sáng tạo, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công cụ kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia. Ðổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân vào quản lý nhà nước, quản trị quốc gia.
Hai là, xác định rõ và thực hiện đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ trong xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực phản ứng chính sách. Siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật để đảm bảo phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của CBCC vào việc xây dựng thể chế phát triển đất nước và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật; bảo đảm chủ động tham gia, phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát của Chính phủ đối với nền hành chính quốc gia và việc thực hiện quyền lập pháp. Xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, viên chức với ba trụ cột chính: tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số. Đây cũng là nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII. Tiếp tục cắt bỏ các TTHC gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số. Tiếp tục cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, chất lượng dịch vụ công; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khoa học, hợp lý, đi đôi với nâng cao trách nhiệm, gắn với bảo đảm nguồn lực, năng lực thực hiện pháp luật cho các bộ và địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát; bảo đảm quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng bộ và địa phương. Xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ; giữa các bộ với nhau; giữa Chính phủ, các bộ với chính quyền địa phương; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phân định rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.
Năm là, tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hành chính; cải cách mạnh mẽ chế độ công vụ, công chức; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, tiêu chuẩn nghiệp vụ, tiêu chí đánh giá CBCC, viên chức dựa trên kết quả và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao bằng sản phẩm cụ thể và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của nguồn nhân lực hành chính vừa là nhân tố quyết định thành công của Nghị quyết số 76/NQ-CP, vừa là lực lượng quan trọng nhất trong phát triển nhân lực - một trong ba đột phá chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045, đã được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.
Thực hiện: Nguyễn Tú