banner
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024
Tắt sóng 2G, 3G tại Việt Nam: Nhà mạng cần hỗ trợ người dùng sử dụng thiết bị mới
22-8-2024

        Lãnh đạo Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng tăng cường đội ngũ ứng trợ, hỗ trợ để người dùng, tránh để người dùng gặp khó khăn và vấn đề trong quá trình sử dụng thiết bị mới.
        Nhà mạng tắt sóng 2G, 3G đang không ngừng tăng lên
       Tại tọa đàm “Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?” do Báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) tổ chức ngày 18/7/2024 tại Hà Nội, thông tin từ Cục Viễn thông cho biết trong những năm gần đây số lượng các nhà mạng trên thế giới dừng công nghệ 2G tăng lên đáng kể.
Tất cả các nước đều lên kế hoạch dừng cả công nghệ 2G và 3G vào năm 2030 theo báo cáo của Hiệp hội thông tin di động toàn cầu (GSMA).
Toàn cảnh tọa đàm “Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?”
 
       Tính đến thời điểm tháng 6/2024, có khoảng 37 quốc gia đã tắt hoàn toàn mạng 2G. Trong đó, châu Mỹ có 25 quốc gia, châu Á có 7 quốc gia, châu Âu có 4 quốc gia, châu Đại dương có 1 quốc gia, châu Phi chưa có quốc gia nào tắt hoàn toàn mạng 2G.
        Công nghệ 2G đã 30 tuổi và 3G gần 20 năm tuổi hiện là những công nghệ lỗi thời và mạng cần được hiện đại hóa. Công nghệ 4G, 5G và sắp tới là 6G là sự phát triển tiếp theo của mạng di động và cung cấp các tùy chọn tối ưu hóa bao gồm tốc độ nhanh hơn, dung lượng lớn hơn và hiệu quả hoạt động.
       Các mạng 2G, 3G này được thiết kế để sử dụng dữ liệu cơ bản và giọng nói. Công nghệ ngày nay đã sớm vượt xa khả năng mạng và không thể hỗ trợ các ứng dụng dữ liệu tốc độ cao như truyền phát video và các công nghệ mới như Internet of Things (IoT).
       Trước xu hướng này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: “Điều này cho thấy chính sách dừng công nghệ 2G vào năm 2024, tắt sóng vào năm 2026 và đến năm 2028 dừng công nghệ 2G là đang đi đúng xu hướng của thế giới”.
       Thực tế triển khai mạng và sự phát triển dịch vụ tại Việt Nam, cả công nghệ 2G và 3G đều đã được xây dựng kế hoạch dừng. Với 2G thì thực hiện theo 2 giai đoạn 2024 và 2026 còn 3G thì 2028.
       Qua nhiều cuộc họp, lấy ý kiến các doanh nghiệp (DN), Bộ TT&TT xác định công nghệ 2G, 3G đều là công nghệ cũ, tuy nhiên, 2G là công nghệ cũ hơn. Hầu hết thiết bị mạng 2G của các DN di động đã hết khấu hao, đa phần là các thiết bị lỗi thời, tiêu hao năng lượng lớn, hiệu suất sử dụng tần số không cao, một số thiết bị không còn nguồn cung ứng để thay thế, sửa chữa. Do vậy, chủ trương dừng công nghệ 2G đã được đồng thuận.
       Ngoài ra, dựa trên việc triển khai mạng 3G, việc sử dụng tần số của DN, hiện nay đã có DN chủ động lên kế hoạch dừng công nghệ 3G.
        Việc dừng công nghệ 2G theo 2 pha. Pha 1 - Tháng 9/2024 dừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G only). Pha 2 - Tháng 9/2026 dừng hệ thống 2G.
       Hiện nay, các DN dựa trên thực tế khai thác của mình sẽ tắt dần các trạm 2G tại các khu vực không phát sinh lưu lượng qua mạng 2G. Việc dừng hoàn toàn công nghệ 3G sẽ được hoàn thành vào tháng 9/2028.
        Căn cứ Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT quy hoạch băng tần 1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz cho hệ thống thông tin di động (TTDĐ) mặt đất công cộng IMT của Việt Nam và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT ngày 10/5/2024 về quy hoạch băng tần 880-915 MHZ và 925-960 MHz cho hệ thống TTDĐ mặt đất công cộng IMT của Việt Nam, Bộ TT&TT sẽ không cấp phép lại sử dụng các băng tần 900MHz/1800MHz nếu DN không có phương án đảm bảo không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G Only) hoạt động trên mạng từ ngày 16/9/2024.
        Quan trọng nhất là người dân phải có smartphone, kỹ năng
       Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (REV) khẳng định sự tất yếu của xu hướng tắt sóng 2G mang lại lợi ích cho cả nhà nước, nhà mạng và người dân.
Ông Đoàn Quang Hoan: Quan trọng nhất là người dân phải có smartphone, kèm theo đó là kỹ năng sử dụng smartphone.
 
       Ở các nước thị trường tự do, ông Hoan cho biết giấy phép độc lập về công nghệ, việc tắt 2G lúc nào là do nhà mạng quyết định, miễn đảm bảo thực hiện thỏa thuận với người sử dụng (NSD), cam kết với nhà nước. Ngay ở châu Âu, có những nước 3 nhà mạng thì 1 nhà mạng đã tắt sóng từ lâu, nhưng vẫn có nhà mạng đến 2050 mới tắt sóng.
       Ở Việt Nam có điểm khác là giấy phép vẫn đi liền với công nghệ nên câu chuyện cũng khác. Ông Hoan cho biết nhà nước vẫn “ôm” một phần trách nhiệm của nhà mạng với thị trường. Do vậy, đây không chỉ là câu chuyện của người dân mà còn của nhà nước, nhà mạng.
       “Tôi có cảm giác còn hơi đơn giản hóa câu chuyện tắt sóng 2G. Tắt sóng sẽ giải phóng băng tần để cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn, giải phóng chi phí bảo trì bảo dưỡng, chỉ có một chút “lăn tăn” ở các nhà mạng bởi phân khúc kinh doanh khác nhau, tắt sóng có thể ảnh hưởng đến cạnh tranh. Nhưng đây chỉ là vấn đề nhỏ, quan trọng là nhà mạng có thể đảm bảo sự thông suốt dịch vụ thế nào”.
        Ông Hoan cũng cho rằng: "Quan trọng nhất là người dân phải có smartphone, kèm theo đó là kỹ năng sử dụng smartphone. Smartphone phải được cung cấp với giá cả cả hợp lý”.
       Để thực hiện, ông Hoan cho rằng Nhà nước và nhà mạng phải làm nhiều hơn. Đây không phải chỉ là câu chuyện tắt sóng 2G, mà còn là chuyển đổi dịch vụ từ chuyển mạch kênh sang chuyển mạch IP. Việc chuyển đổi đó có đảm bảo tất cả dịch vụ thiết yếu đều thông suốt không? Gọi 113, 114, 115 (112, 109) không thể gọi thông trên IP, không thể dùng Viber gọi cấp cứu được. Đó là những dịch vụ thiết yếu. Nhà nước, nhà mạng phải đảm bảo mọi người dân đều gọi được những số đó. Từ khâu tiêu chuẩn hóa, thiết lập (setup) mạng lưới và cung cấp dịch vụ phải làm được việc ấy.
        Không chỉ smartphone còn cần kỹ năng nữa. “Tôi đổi máy 2 hôm rồi mà không thể setup được Viber. Thủ tục xác nhận cuộc gọi, tin nhắn không thể setup được, đấy là tôi còn là chuyên gia. Không thể nói cứ có smartphone sử dụng OTT để gọi cho nhau là ổn, nó còn có những đòi hỏi khác nữa”.
Hiện nhiều dịch vụ phải xác nhận bằng SMS, thậm chí bằng thoại (voice) qua mạng. Vậy khi tắt sóng 2G, liệu 4G VoLTE có thể đảm bảo việc xác nhận đó thông suốt chưa?
        Ông Hoan nghĩ rằng đó là những điểm cần đặt ra và nhà nước, nhà mạng cần làm gì trước khi người dân cần làm. "Dù khó thế nào vẫn phải tắt sóng 2G, chuyển đổi, nhưng phải quan niệm đó là sự chuyển đổi chứ không phải chỉ “tắt” thuần tuý, chuyển đổi từ chuyển mạch kênh sang IP, chuyển đổi các dịch vụ...".
       Cũng theo ông Hoan, dù làm thế nào thì vùng phủ là cái rất quan trọng. Vùng phủ ở đây không phải là 4G, 5G. Tắt 2G, 3G sẽ thế nào? Ở Việt Nam, ông Hoan thông tin đã có nhà mạng tắt 3G.
        Các giải pháp của Bộ TT&TT
         Cũng đồng thuận với Phó Chủ tịch REV, chia sẻ về tắt sóng hệ thống TTDĐ 2G, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết thêm NSD cần nhất là thông tin. "Khi người dân hiểu rõ ý nghĩa việc chuyển đổi, họ sẽ đồng thuận với chủ trương này khi vào ngày 15/9/2024, các thuê bao 2G sẽ không còn được cung cấp dịch vụ nữa".
Ông Nguyễn Phong Nhã: Người dùng chuyển sang smartphone là cơ hội để trải nghiệm các dịch vụ mới, từ trước đến nay chưa được dùng.
 
        NSD sẽ có cơ hội sử dụng điện thoại 4G phím bấm với chất lượng tốt hơn về thoại so với sử dụng mạng 2G. NSD cũng có thể duy trì toàn bộ dịch vụ thường xuyên, không có thay đổi nào. Các e ngại về chất lượng dịch vụ, vùng phủ, các nhà mạng đều sẽ có trách nhiệm cung cấp vùng phủ tương đương, thậm chí tốt hơn. Các dịch vụ truyền thống vẫn được duy trì ổn định, không có bất kỳ xáo trộn nào.
        Với người dùng chuyển sang smartphone, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết đây là cơ hội để trải nghiệm các dịch vụ mới, từ trước đến nay chưa được dùng. Người dùng có thể vào mạng, sử dụng các dịch vụ hành chính công của nhà nước. Đây là cơ hội để người dân tiếp cận với các dịch vụ số, hình thành xã hội số.
       Để cung cấp thông tin đầy đủ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt nhất, Cục Viễn thông đề nghị các DN truyền thông mạnh mẽ hơn, trao đổi kinh nghiệm với nhau để đưa thông tin đầy đủ tới NSD.
       Viettel đã có giải pháp truyền thông cá thể hóa với đối tượng người dùng ở vùng sâu vùng xa. MobiFone cũng có giải pháp khá hay là dùng nhạc chuông chờ để thông báo dừng công nghệ 2G, và các đầu số hỗ trợ, giống như thời COVID-19. VinaPhone thì có chính sách hỗ trợ máy, truyền thông tới người dùng.
       Về vấn đề smartphone, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết người dân vùng sâu, vùng xa dù chỉ đổi thiết bị mấy trăm nghìn cũng là vấn đề lớn. Các nhà mạng có giải pháp nhưng không thể hỗ trợ 100% người sử dụng. Với đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, Bộ TT&TT đã làm việc với các tỉnh, thành phố để địa phương sử dụng các nguồn vốn, nguồn tài trợ, cùng nhà mạng hỗ trợ NSD. Đến nay, một số tỉnh đã triển khai nội dung này.
       Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng tăng cường đội ngũ ứng trợ, hỗ trợ để người dùng. Các nhà mạng cũng cần có hướng dẫn, truyền thông đơn giản, dễ hiểu về các dịch vụ và nguy cơ khi sử dụng ứng dụng trên smartphone, tránh để người dùng gặp khó khăn và vấn đề trong quá trình sử dụng thiết bị mới.
       Khi các nhà mạng đang triển khai 5G, việc nhiều công nghệ cùng hoạt động sẽ tạo ra các chi phí lớn cho nhà mạng. Việc dừng 2G giúp các nhà mạng hiệu quả hơn trong việc khai thác mạng lưới, giảm tốn kém, tăng hiệu quả sử dụng tần số, nhà trạm, nguồn điện.
        Việc dừng công nghệ 2G đã có chủ trương từ nhiều năm. Đến nay đang ở giai đoạn cuối cùng, nhưng vẫn còn lượng thuê bao lớn, khoảng 11 triệu thuê bao 2G. Trong những tháng qua, tốc độ giảm các thuê bao 2G hiện rất nhanh. Nhưng từ nay đến tháng 9, vẫn cần sự quyết tâm cao độ, vào cuộc mạnh mẽ hơn của các nhà mạng và sự chung tay của các cơ quan báo chí.
       Bộ TT&TT đã có công văn, yêu cầu Sở TT&TT, UBND các tỉnh thành phố, hệ thống thông tin cơ sở để cùng nhà mạng truyền thông tới NSD; Đưa ra chính sách không cho thuê bao 2G không hợp chuẩn hợp quy hòa mạng.
        Để người dùng hiểu hết các chính sách này không phải một sớm một chiều. Với các máy điện thoại 2G only còn tồn đọng, nhiều nhà bán lẻ sẽ giảm giá để thu hồi vốn. Hiện một số nhà mạng cương quyết chặn, nhưng một số vẫn cho duy trì đến 15/9.
        Về mặt mạng lưới, Bộ TT&TT sẵn sàng về mặt tài nguyên, cấp phép lại băng tần 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz vào tháng 9 này. Nếu các nhà mạng còn thuê bao 2G, việc cấp phép sẽ không được thực hiện. Các nhà mạng do đó sẽ rất nghiêm túc thực hiện nội dung này.
       Về mặt tác động xã hội, cơ quan quản lý sẽ thực hiện được mục tiêu xây dựng hạ tầng viễn thông công nghệ tiên tiến, sẵn sàng đáp ứng việc chuyển đổi sang xã hội số, nền kinh tế số. Với việc dừng công nghệ cũ và các thiết bị tiêu tốn nguồn năng lượng lớn, sẽ tạo ra mạng lưới hiệu quả hơn trong khai thác, đảm bảo xu thế công nghệ xanh.
         Lãnh đạo Cục Viễn thông đề nghị các DN dành nguồn lực truyền thông chính sách, xây dựng mạng lưới, hỗ trợ người dân chuyển đổi thuê bao từ 2G sang 4G, và mang đến cơ hội sử dụng công nghệ mới cho người dùng di động. Các nhà mạng cũng thông qua hợp đồng, đảm bảo nhà mạng di động ảo (MVNO) không phát triển thuê bao 2G.
       “Mong người dùng cùng chung tay với DN, cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng mạng viễn thông, hiện đại, an toàn, nhiều trải nghiệm với các dịch vụ mới”, lãnh đạo Cục Viễn thông bày tỏ mong muốn.
Thực hiện: Y Đông (Theo Ictvietnam.vn)
 

Số lượt xem:37
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1204668 Tổng số người truy cập: 7559 Số người online:
TNC Phát triển: