Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống thiêng liêng của người Việt nói chung và các dân tộc thiểu số huyện Đăk Glei nói riêng; mỗi độ Tết đến, Xuân về không chỉ là dịp sum họp gia đình mà còn là thời gian để tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc. Tại huyện Đăk Glei, một vùng núi xa xôi của tỉnh Kon Tum, không khí Tết đang dần thay đổi dưới ảnh hưởng của công nghệ số, mang lại những tiện ích mới đầy thú vị và tiện lợi.
Những năm gần đây, khi hệ thống truyền thông và internet phủ sóng rộng rãi tại Đăk Glei, người dân nơi đây đã có điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin và dịch vụ dễ dàng hơn bao giờ hết. Việc tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu trong dịp Tết giờ đây trở nên thuận tiện nhờ vào thương mại điện tử và mạng xã hội.
Một trong những thay đổi đáng kể trong cách thức chuẩn bị Tết là sự xuất hiện của các dịch vụ mua sắm trực tuyến. Nhờ sự phát triển của công nghệ, người dân Đăk Glei có thể dễ dàng đặt mua thực phẩm, quà Tết qua các trang thương mại điện tử, từ bánh chưng, mứt Tết đến các loại thực phẩm đặc sản địa phương như thịt trâu gác bếp, rau rừng, hay các món đặc sản khác.
Chị Nguyễn Thị Hằng – thôn 14b, xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei tâm sự: "Năm nay, tôi không cần phải vất vả ra chợ sắm sửa, chỉ cần ngồi ở nhà, đặt hàng qua mạng là đã có đủ mọi thứ cho mâm cỗ Tết. Tôi có thể tìm mua các món ăn truyền thống và các đặc sản khác một cách dễ dàng. Thật sự rất tiện lợi, vì tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nhất là trong những ngày giáp Tết, khi ai cũng bận rộn."

Chị Trịnh Thị Phượng, Giám đốc HTX Thương mại Dịch vụ Đăk Glei đóng gói gửi hàng đến những nơi khác thông qua dịch vụ mua bán trực tuyến
Công nghệ số cũng đã giúp các sản phẩm nông sản địa phương như Sâm Ngọc Linh, Sâm Ngọc Linh, Nấm Linh Chi, v.v. có cơ hội tiếp cận với thị trường toàn quốc. Những sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ trong khu vực mà còn được xuất bán đến các tỉnh, thành phố khác, mang lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho bà con nơi đây. Chị Trịnh Thị Phượng, Giám đốc HTX Thương mại Dịch vụ Đăk Glei, cho biết: "Nhờ có mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử, sản phẩm của chúng tôi giờ đây không chỉ có mặt ở Đăk Glei mà còn được biết đến ở nhiều nơi trên cả nước."
Không gian mạng cũng đã trở thành nơi để người dân Đăk Glei chia sẻ những khoảnh khắc Tết đặc biệt. Các hoạt động như chuẩn bị mâm cỗ, trang trí nhà cửa hay tổ chức các lễ hội nhỏ đều được ghi lại và chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng trực tuyến. Thay vì chỉ gửi thiệp chúc Tết truyền thống, nhiều người trẻ đã sử dụng các ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội để gửi lời chúc Tết đến bạn bè và người thân, giúp kết nối mọi người dù ở xa.
Theo thống kê, hiện nay, huyện Đăk Glei có gần 50% hộ gia đình có kết nối mạng internet, một con số đáng khích lệ trong việc phát triển công nghệ thông tin tại các vùng miền núi. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ số vẫn gặp phải một số khó khăn. Một bộ phận lớn người dân, đặc biệt là những người cao tuổi, vẫn chưa quen với công nghệ, dẫn đến việc thiếu thông tin và không tận dụng được tối đa các tiện ích mà công nghệ số mang lại. Điều này cũng đặt ra thách thức trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Bà Y Nhung – Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đăk Glei cho biết: "Việc kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống sẽ tạo ra một cái Tết vừa ấm áp, vừa đổi mới. Hiện nay, Tết không chỉ là dịp để người dân Đăk Glei trở về sum họp gia đình, mà còn là cơ hội để mỗi người gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, đồng thời tiếp cận với những tiện ích của xã hội hiện đại."
Mặc dù công nghệ số đã và đang làm thay đổi diện mạo của Tết tại Đăk Glei, nhưng những giá trị truyền thống như gia đình quây quần, sự hiếu khách, và lòng thành kính với tổ tiên vẫn luôn là những điều không thể thiếu trong dịp Tết. Công nghệ giúp kết nối con người lại gần nhau hơn, nhưng Tết tại Đăk Glei vẫn luôn mang đậm những dấu ấn của một mùa xuân tràn đầy yêu thương, ấm áp và đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài, ảnh: Nguyễn Tú